TN - Đất & Người

Kbang 30 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 181/HĐBT, ngày 28-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tách một phần phía Bắc của huyện An Khê và 2 xã (huyện Kon Plông, tỉnh Gia Lai-Kon Tum) để thành lập huyện Kbang, đến ngày 19-5-1985, tại làng Buôn Lưới (xã Sơ Pai), Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban ngành, đoàn thể của huyện đã tổ chức lễ ra mắt huyện Kbang và lấy ngày 19-5 là ngày thành lập huyện.
 

Đường vào thị trấn huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam

Sau khi được thành lập, trung tâm huyện lỵ được đặt tại làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai. Tuy nhiên, gần 3 năm hoạt động khó khăn, hạn chế về đường giao thông, địa hình chia cắt đã không phù hợp với điều kiện phát triển lâu dài của huyện. Trước tình hình đó trên cơ sở đề xuất của huyện, ngày 14-5-1988, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum có Thông báo số 77/TB-UBND thống nhất cho huyện Kbang chuyển dời trung tâm huyện lỵ từ làng Buôn Lưới-xã Sơ Pai về đóng tại trung tâm Ka Nak thuộc xã Đông (nay là thị trấn Kbang).

Những ngày đầu thành lập, Kbang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, điều kiện phát triển kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp với độc canh cây lúa rẫy, đời sống nhân dân khó khăn và đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp, bọn phản động FULRO thâm nhập vào địa bàn lôi kéo, chống phá phong trào định canh định cư, khống chế cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc tổ chức quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng... Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự điều hành của chính quyền, sự đoàn kết gắn bó của nhân dân, Kbang từng bước vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và sau 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

 

Toàn cảnh trung tâm huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam

Trên lĩnh vực kinh tế, đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng 6,83%. Sản xuất nông nghiệp chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích gieo trồng tăng từ 3.235 ha năm 1985 lên 32.733 ha năm 2014. Đàn gia súc, gia cầm năm 1985 có 22.252 con, đến năm 2014 tăng lên 204.965 con. Huyện đã quy hoạch và hình thành những vùng chuyên canh cây trồng như: cà phê, cây công nghiệp dài ngày ở các xã phía Bắc; cây mía ở các xã phía Nam; cây lúa nước năng suất, chất lượng cao ở xã Sơ Pai, xã Tơ Tung; cây bắp lai, cây đậu, rau, hoa quả ở vùng ven sông Ba. Triển khai các mô hình trồng cây bời lời đỏ, sa nhân tím, mắc ca, cao su bước đầu phát triển tốt. Song hành với việc phát triển kinh tế, huyện tập trung triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2013, huyện đã có xã Đak Hlơ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 12 xã còn lại có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 3 xã đạt 13 tiêu chí. Mục tiêu phấn đấu của huyện đến cuối năm 2015 có thêm 9 xã đạt 19 tiêu chí và trở thành huyện nông thôn mới.

Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông-vận tải cũng có những bước phát triển đáng kể. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng năm 2014 đạt 644 tỷ đồng. Từ một huyện gần như biệt lập với các địa phương khác vào mùa mưa lũ, nay địa phương đã có nhiều tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, phát triển các tuyến vận tải hành khách đến các thành phố lớn trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân. 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%; hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 87,12% năm 1985 xuống còn 29,50% năm 2014; tổng thu ngân sách năm 2014 đạt 35,584 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế ngành nông-lâm nghiệp chiếm 58,98%, ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 21,83%, ngành dịch vụ chiếm 19,19%; thu nhập bình quân đầu người gần 20 triệu đồng/năm. 

 

Ảnh: Lê Nam

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh cũng đạt được kết quả khả quan. Nếu như năm 1985, toàn huyện chỉ có 859 học sinh thì nay có gần 17.000 học sinh các cấp. Năm 1998 được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ; năm 2010 được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; năm 2014 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Mạng lưới y tế từ huyện đến xã được tăng cường, củng cố nâng cao trình độ đội ngũ y-bác sĩ và các trang-thiết bị y tế. 14/14 trạm y tế có bác sĩ, có 13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng. Hiện toàn huyện có 74,25% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, 76,19% hộ gia đình văn hóa.
 

Kbang trong 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu và được Đảng, Nhà nước, bộ ngành Trung ương, tỉnh ghi nhận khen thưởng. Năm 1996, huyện và 3 xã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì. Và nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện, ngày 19-5-2015, huyện Kbang đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Đảng bộ huyện từng bước xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năm 1985, toàn Đảng bộ chỉ có 20 tổ chức cơ sở Đảng với gần 600 đảng viên; đến năm 2014 đã tăng lên 56 tổ chức cơ sở Đảng với 2.976 đảng viên. Hàng năm, trên 76% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, trên 84% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), Kbang phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6,92%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng/năm và năm 2020 đạt 34,85 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 26% và đến năm 2020 giảm xuống dưới 10% theo chuẩn hiện hành. Phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp thị trấn Kbang lên đô thị loại IV. Tiếp tục củng cố quốc phòng-an ninh, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững...

Những thành tựu đạt được là tiền đề để các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức lập nhiều thành tựu hơn nữa trong quá trình đổi mới đi lên.

Trần Vĩnh Hương
Chủ tịch UBND huyện Kbang

Có thể bạn quan tâm