Kinh tế

Kbang: Nỗ lực thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, chính quyền huyện Kbang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn. Tuy kết quả còn khiêm tốn nhưng đây chính là nền tảng tạo đà cho việc khai thác tiềm năng vùng đất này trong thời gian tới.
HIỆN THỰC HÓA NHIỀU DỰ ÁN
Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND huyện Kbang, Công ty TNHH Xây dựng Tân Tiến (thị trấn Kbang) đã quyết định đầu tư xây dựng Bến xe khách huyện theo hình thức xã hội hóa. Được hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, Công ty đã hoàn thành và đưa bến xe khách vào hoạt động với quy mô bến xe loại 4, diện tích 3.025 m2, tổng mức đầu tư 8,6 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, bến xe hoạt động ổn định, khai thác hiệu quả 13 tuyến vận tải hành khách (12 tuyến liên tỉnh và 1 tuyến nội tỉnh) với hơn 60 đầu xe.
Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển hạ tầng Kbang cũng tiến hành đầu tư xây dựng chợ mới và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 7-2019. Ông Dương Đình Kiệt-Giám đốc Công ty-cho biết: Chợ Kbang được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa, có diện tích 8.350 m2. Giai đoạn 1 vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng, gồm 2 khu nhà lồng với 345 ki ốt, lô sạp trên diện tích hơn 6.000 m2. Qua thời gian đi vào hoạt động, chợ Kbang đã phát huy hiệu quả tích cực, được tiểu thương ủng hộ. Theo đánh giá của UBND huyện Kbang, mô hình xây dựng, quản lý và khai thác chợ theo hình thức xã hội hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-thông tin: Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai đang dần hoàn thiện hệ thống chuồng trại để đưa vào hoạt động dự án vỗ béo bò Úc và liên kết chăn nuôi với các hộ dân trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND xã, dự án chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào nuôi 420 con bò Úc. Tới đây, địa phương sẽ vận động người dân tham gia trồng khoảng 30 ha cỏ và mở rộng diện tích bắp sinh khối để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty làm thức ăn cho bò. “Dự án được chia thành 2 giai đoạn với quy mô nuôi khoảng 3.000 con. Địa phương ủng hộ và kỳ vọng dự án sẽ tạo việc làm cho người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng, bớt lệ thuộc vào cây mía. Bước đầu đã có khoảng 10 hộ dân thôn Đầm Khương đăng ký trồng 20 ha cỏ. Theo tính toán ban đầu, so với các loại cây khác như mía, mì... thì trồng cỏ và bắp sinh khối cho thu nhập tốt hơn”-ông Nam khẳng định.
Bến xe khách huyện Kbang được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Ảnh: M.N
TIẾP TỤC THU HÚT NHỮNG DỰ ÁN TRIỂN VỌNG
Ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, UBND huyện Kbang còn chủ động làm việc với các doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ triển khai dự án thuận lợi. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào huyện, cụ thể như: Công ty cổ phần Liên Việt Gia Lai đầu tư trồng và liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm mắc ca với các hộ dân trên địa bàn; Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang liên kết trồng dâu, nuôi tằm với diện tích hơn 66,5 ha; Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nuôi heo, gà ứng dụng công nghệ cao tại xã Sơ Pai và Lơ Ku; Viện Nghiên cứu và Bảo tồn phát triển dược liệu Sài Gòn đang lập thủ tục triển khai dự án trồng dược liệu kết hợp phát triển du lịch tại xã Đak Rong; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đăng ký đầu tư, thu mua sản phẩm cây ăn quả, hiện đã liên kết đầu tư 25 ha chanh dây tại xã Sơn Lang; Công ty Phát triển Khoa học quốc tế Trường Sinh liên kết đầu tư, bao tiêu các loại cây dược liệu, hiện đã liên kết trồng 13,5 ha sâm đương quy ở xã Sơ Pai; Công ty cổ phần Đông Nam dược Gia Lai liên kết trồng dược liệu trên địa bàn huyện…
Đánh giá hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trong thời gian qua, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-nhận định: Giai đoạn 2015-2020, huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các dự án phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, du lịch… Trong đó, thành công nhất là việc đầu tư xã hội hóa Bến xe huyện và chợ Kbang, giải quyết căn bản vấn đề giao thông và thương mại trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Kbang, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng, các dự án đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều doanh nghiệp đến khảo sát dự án nhưng khi triển khai thực hiện còn vướng những khó khăn về khoảng cách địa lý, địa phương nằm xa cảng biển, khu công nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối vùng còn hạn chế...
Do vậy, thời gian tới, Kbang sẽ chú trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ gắn với đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng mô hình nông-lâm nghiệp chủ lực của huyện. Phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao; mở rộng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trồng rừng gắn với chế biến nhằm tăng giá trị kinh tế. Đặc biệt là thực hiện quy hoạch tổng thể vùng sản xuất để có những định hướng phát triển tập trung theo từng loại cây trồng; xây dựng các điểm, khu du lịch một cách bài bản hơn để thu hút du khách. “Đầu tháng 3-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang thống nhất để Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch C.travel Gia Lai đầu tư dự án cụm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng huyện Kbang trên diện tích hơn 500 ha với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75 tỷ đồng. Hy vọng, dự án này sẽ là tiền đề giúp du lịch Kbang cất cánh trong thời gian đến”-Chủ tịch UBND huyện Kbang kỳ vọng.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm