25 năm kể từ ngày chia tách (huyện An Khê cũ), Kbang, Gia Lai bước vào trang sử mới trong bối cảnh đối mặt với đói nghèo và những tàn dư nặng nề của chiến tranh. Nước mắt và máu xương của bao lớp người ngã xuống vì độc lập của dân tộc đã quyện sâu vào từng thớ đất trở thành sức mạnh cho Kbang vươn mình mạnh mẽ…
Ngày 19-5-1985, tại vùng đất Kbang giàu truyền thống anh hùng đã diễn ra Lễ công bố Quyết định số 181/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tách phần Bắc huyện An Khê thành lập huyện Kbang. Những ngày đầu mới thành lập, Kbang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Toàn huyện có đến 63% dân số là người Bahnar, hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu. Đời sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng cũng chỉ có hơn 3.200 ha đất canh tác phần lớn là độc canh cây lúa rẫy với hình thức canh tác lạc hậu. Bốn bề rừng núi thâm u, người dân vẫn quen với cách sống phụ thuộc vào thiên nhiên, bên cạnh đó là nạn mù chữ, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội vì thế cũng diễn biến phức tạp khi bọn phản động FULRO tăng cường hoạt động gây chia rẽ Kinh-Thượng, lôi kéo thanh niên ra rừng, chống phá phong trào định canh, định cư… gây khó khăn trong việc quản lý, ổn định xã hội.
Thị trấn Kbang hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác |
Đi đôi với thế mạnh về nông nghiệp, huyện Kbang cũng tiến dần đến con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bắt kịp với xu thế phát triển của đất nước. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm và có điện thắp sáng nên công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vì thế cũng phát triển mạnh. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình thủy điện mọc lên làm cho bộ mặt huyện nhà thay đổi từng ngày. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao nên sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa vì thế cũng chuyển biến theo sự phát triển chung. Nếu 25 năm trước, toàn huyện chỉ có 2.100 học sinh được tới trường thì nay con số đó đã nâng lên 23.000 học sinh. Năm 2010, huyện Kbang cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Sự nghiệp y tế cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hơn 80% xã, thị trấn có bác sĩ, 100% thôn, làng, tổ dân phố có cộng tác viên y tế chăm sóc sức khỏe. Toàn huyện có 34,7% thôn, làng văn hóa; 41,86% cơ quan, công sở văn hóa; 48,5% khu dân cư tiên tiến và 61% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị. Công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp lãnh đạo quan tâm đầy đủ.
Ảnh: L.A |
Bước sang thời kỳ mới, với một quá khứ hào hùng làm điểm tựa, Kbang đã mạnh dạn đặt ra cho mình những mục tiêu mới cao hơn và xa hơn. Giai đoạn năm 2010-2015, Kbang phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,27%, thu nhập bình quân đầu người 18,2 triệu đồng/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, 100% trạm y tế có bác sĩ, 100% hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch…
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Kbang hôm nay đã vững vàng trong tư thế mới, hòa mình cùng dòng chảy của thời đại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kbang quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của vùng đất anh hùng.
Phan Minh Túc (Chủ tịch UBND huyện)