Với cái mác Giám đốc, Đặng Hồng Anh đã lợi dụng lòng tin của những chủ cho thuê xe tự lái để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Đặng Hồng Anh tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: Báo Nghệ An) |
“Đại gia” và những chiêu trò lừa đảo
Đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an Nghệ An nhận được đơn trình báo của một số cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái về việc khách hàng thuê xe nhưng quá thời hạn hợp đồng vẫn không trả xe. Cùng thời gian này, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện đối tượng Đặng Hồng Anh (SN 1979, trú tại xã Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An) - đang chờ xét xử về tội đánh bạc - và đồng bọn thường xuyên thay đổi các loại xe ô tô thuê tự lái và có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế.
Từ tháng 3/2016, đối tượng Đặng Hồng Anh cấu kết với các đối tượng ở Diễn Châu thường xuyên cá độ bóng đá với tang số lớn, đánh bạc tại các nhà nghỉ, khách sạn sang trọng. Trung tá Nguyễn Sĩ Hoàn, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Xác định đây có thể là hành vi thuê xe tự lái rồi chiếm đoạt có tổ chức, Phòng CSHS đã xác lập chuyên án 316LX để điều tra”.
Ban chuyên án xác định, Đặng Hồng Anh chính là đối tượng cầm đầu của đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn này. Trung tá Nguyễn Sĩ Hoàn cho hay: “Xuất thân là giáo viên của một trường tiểu học thuộc huyện Kỳ Sơn nhưng Đặng Hồng Anh bỏ dạy học và lập một công ty TNHH, chuyên bỏ dầu, bỏ điện cho các trạm thuê bao Viettel ở các huyện miền núi. Nguồn thu nhập từ công ty không cao nhưng hắn ăn chơi trác táng, bồ bịch và thường xuyên đánh bạc với số tiền lớn nên phải vay nợ”.
Để có tiền trả nợ, Đặng Hồng Anh lấy danh nghĩa giám đốc để đi thuê xe tự lái, sau đó nhờ các đối tượng ở Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm giả giấy tờ đăng ký rồi đem xe đi cầm, cắm ở nhiều địa phương.
Theo điều tra, tháng 11-2015, Đặng Hồng Anh thuê một chiếc Toyota Innova của anh Nguyễn Hữu Sơn, trú tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu với giá 750.000 đồng/ngày, thời gian thuê từ 2-11 đến 2-12-2015. Thuê được xe, Đặng Hồng Anh lập tức mang đi cầm, cắm nhưng không được nên y đã nhờ đối tượng Trần Duy Đông (SN 1986, trú xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đi cầm.
Ngày 19-11-2015, Trần Duy Đông thuê Phạm Thế Anh làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô trên mang tên Trần Duy Đông với giá 2.500.000 đồng/bằng lái, rồi đem đi cầm cắm tại nhà Thái Gia Phú (trú xã Diễn Lâm, Diễn Châu). Tại đây, Phú kiểm tra đăng ký xe ô tô thấy trùng hợp với biển kiểm soát và tên của Đông nhưng vẫn yêu cầu phải có vợ của Đông đến và có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mới cho cầm xe. Trần Duy Đông nói lại yêu cầu này với Đặng Hồng Anh và hắn đã nhờ bạn là Cao Thị Lý (SN 1991, trú tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) đóng giả làm vợ của Đông.
Khoảng 18h cùng ngày, Đông về nhà lấy giấy đăng ký kết hôn rồi cùng Cao Thị Lý đến nhà Thái Gia Phú. Tại đây, Phú đồng ý cho cầm xe và Đông phải viết một giấy vay nợ số tiền 300.000.000 đồng. Đông và Lý đã đưa toàn bộ số tiền cầm xe cho Đặng Hồng Anh.
Đến hết hạn hợp đồng, anh Nguyễn Hữu Sơn nhiều lần gọi điện yêu cầu trả xe và tiền thuê xe nhưng Đặng Hồng Anh trốn tránh và tắt điện thoại. Ngày 8/3/2016, anh Nguyễn Hữu Sơn đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xe ô tô tự lái của Đặng Hồng Anh đến Công an tỉnh Nghệ An.
Xóa sổ đường dây
Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu, điều tra viên của chuyên án cho biết: “Đặng Hồng Anh và Trần Duy Đông khoác mác giám đốc thành đạt, thường tham gia các hoạt động ủng hộ từ thiện và phong trào thể thao, văn hóa, giáo dục của địa phương nên rất được yêu mến, quý trọng. Khi thuê xe, Đặng Hồng Anh bỏ ra số tiền lớn, từ 30 - 40 triệu đồng đặt cọc và hợp đồng có dấu đỏ của công ty. Bởi vậy, các chủ cho thuê xe rất tin tưởng hắn. Các chủ cho thuê xe ô tô lại ở nhiều địa điểm khác nhau nên không biết chúng thuê nhiều xe như vậy”.
2 Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ và nhận được tin: Đối tượng Đặng Hồng Anh, Trần Duy Đông sắp vỡ nợ nên định làm một mẻ lớn để ôm tiền và cùng trốn sang Lào, Ban Chuyên án lập tức truy bắt Đặng Hồng Anh. Khi hắn từ Diễn Châu di chuyển vào Cửa Lò, chuẩn bị trốn sang Lào thì bị tổ công tác bắt giữ.
Ngày 10-3-2016, Ban Chuyên án bắt Phạm Thế Anh và Trần Duy Đông khi chúng đang điều khiển xe ô tô Hyundai Avante BKS 37A-223.77 trên đường từ huyện Diễn Châu vào TP. Vinh, chuẩn bị trốn sang Lào. Khám xét trên xe, tổ công tác phát hiện, thu giữ nhiều giấy đăng ký giả xe ô tô các loại. Hai đối tượng này khai nhận đây là xe thuê, đang trên đường mang vào TP. Vinh để cầm cố.
Tại cơ quan điều tra, Đặng Hồng Anh và Trần Duy Đông đã khai nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt 18 xe tự lái. Các đối tượng khác trong đường dây, như: Nguyễn Văn Đạo, Phan Văn Thanh, Đinh Minh Đức, Cao Thị Lý cũng lần lượt bị bắt giữ.
Theo kết luận tại cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, Anh và Đông đã thực hiện 18 hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là thuê xe ô tô tự lái rồi về nhờ Thanh, Lý, Đức và Đạo cung cấp thông tin cá nhân họ tên, ngày/tháng/năm sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân... để Phạm Thế Anh làm giả giấy đăng ký xe ô tô. Sau đó, chúng mang xe đi cầm cố lấy tiền tiêu xài. Tổng giá trị 18 xe ô tô mà Anh và Đông lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 7,2 tỷ đồng.
Để kiếm lời bất chính, Phạm Thế Anh đã thực hiện hành vi làm giả 24 giấy đăng ký xe ô tô các loại. Cơ quan chức năng đã thu giữ: 24 đăng ký xe ô tô giả; 18 ô tô các loại đã được cơ quan điều tra tiến hành xử lý vật chứng bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu; một số máy tính, máy in, máy ép... mà các đối tượng dùng để làm giấy tờ giả.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-6-2017, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Hồng Anh 16 năm tù, Trần Duy Đông 12 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Phạm Thế Anh 3 năm tù, Đinh Minh Đức 2 năm tù, Nguyễn Văn Đạo 6 tháng tù, Phan Văn Thanh và Cao Thị Lý mỗi bị cáo 6 tháng tù treo và thời gian thử thách 12 tháng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Về trách nhiệm dân sự, buộc Đặng Hồng Anh phải bồi thường cho người bị hại hơn 3,3 tỷ đồng, Trần Duy Đông bồi thường hơn 2,6 tỷ đồng.
Cẩm Loan (VOV)