Kinh tế

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 triệu lượt người - vượt xa kỷ lục của năm 2008.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, nếu bình quân một tháng trong 10 tháng chỉ có 417,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì ước tháng 11 đã đạt 428,3 nghìn lượt người, đưa lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng lên 4,6 triệu lượt người, tăng 1,23 triệu lượt người, hay tăng tới 36,5% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, theo mục đích, khách đến để du lịch tăng cao nhất (42,3%), tiếp đến là khách đến vì công việc (39,3%).

Trong các nước và vùng lãnh thổ có khách đến Việt Nam, thì khách đến từ Campuchia tăng cao nhất (99,9%), tiếp theo là khách đến từ Trung Quốc (tăng 76,7%), Thái Lan (tăng 42,6%), Hàn Quốc (tăng 38,0%), từ Australia (tăng 31,0%), Malaysia (tăng 29,1%),...

Nếu tiến độ này được duy trì và những yếu tố tác động trong tháng còn lại của năm nay, cả năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 triệu lượt người - vượt xa kỷ lục của năm 2008 với gần 4,236 triệu.

Cùng với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá và đạt kỷ lục mới, lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế đến Việt Nam cũng đạt quy mô khá và đạt kỷ lục mới.

Nếu năm 2005, lượng ngoại tệ thu được từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 2,3 tỷ USD, năm 2006 là 2,85 tỷ USD, năm 2007 là 3,75 tỷ USD, năm 2008 đạt đỉnh điểm 3,93 tỷ USD, năm 2009 do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên đã giảm xuống còn 3,05 tỷ USD, thì khả năng năm 2010 này lượng ngoại tệ trên có thể vượt 4,6 tỷ USD.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao và đạt kỷ lục mới do nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do thế giới năm trước bị khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nên việc đi du lịch nước ngoài của người dân bị sụt giảm; sang năm nay kinh tế đã thoát đáy vượt dốc đi lên, thu nhập của người dân được cải thiện, tạo điều kiện tăng nhu cầu đi du lịch, đi nước ngoài để làm việc về đầu tư, thương mại, về thăm thân nhân,...

Thêm vào đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 11 tháng đạt 10 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tăng 24,5%, một tốc độ tăng cao gấp nhiều lần tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra và cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP; kim ngạch nhập khẩu tăng 19,8%- đều là sự đảo chiều từ giảm sang tăng và tăng với tốc độ khá cao. Chính vì thế mà lượng khách đến du lịch và đến vì công việc đều tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước.

Có nguyên nhân do năm nay Việt Nam có nhiều ngày lễ lớn, nhiều cuộc hội nghị lớn, đã thu hút nhiều khách quốc tế đến tham dự và thân nhân về thăm quê hương đất nước, trong đó có những dịp đáng lưu ý, như kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm ASEAN có nhiều hội nghị mà Việt Nam với vai trò là Chủ tịch,...

Có nguyên nhân do tỷ giá VND/ngoại tệ năm nay tăng cao. Tỷ giá VND/USD bình quân 11 tháng năm nay tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngoại tệ khác còn tăng cao hơn cả tốc độ tăng của tỷ giá VND/USD, như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Yên của Nhật Bản, đồng Ringit của Malaysia, đồng Baht của Thái Lan,..., nên các ngoại tệ này còn tăng cao hơn nữa so với VND (đó là những nước có số đông khách đến Việt Nam). Sự lên giá của các đồng ngoại tệ này sẽ làm cho cùng một lượng ngoại tệ đến Việt Nam sẽ có sức mua cao hơn, chi phí đi đến Việt Nam sẽ rẻ hơn so với năm trước và so với các nước khác. Đây cũng là cơ hội cho du lịch quốc tế của Việt Nam tăng tốc.

Ngoài các nguyên nhân mới như trên, còn có những nguyên nhân cơ bản và thường xuyên, như chính sách đổi mới mở cửa nói chung và chính sách đổi mới, mở cửa trong lĩnh vực du lịch nói riêng; Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn; con người Việt Nam thân thiện; ngành Du lịch tích cực hơn trong việc phát huy lợi thế, giảm thiểu những hạn chế, bất cập,...

Có chuyên gia dự đoán, do Việt Nam có sự ổn định, an toàn nên những năm tới sẽ có một lượng không nhỏ người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, thăm thú, thậm chí còn định cư lâu dài.

Tuy nhiên, “mật độ” khách quốc tế tính trên 100 dân của Việt Nam mới đạt chưa được 6 lượt khách, trong khi con số này của nhiều nước và vùng lãnh thổ lên đến 100 - 200 lượt khách. Số khách trở lại du lịch lần thứ hai còn ít. Đó cũng là điều mà ngành Du lịch cũng như những ngành, địa phương có liên quan phải tăng đầu tư tôn tạo, tổ chức mạng lưới, đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục những hạn chế, bất cập,...
Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm