Kinh tế

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 42

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Diễn đàn Davos hay còn gọi là hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 42 đã khai mạc tại thành phố Davos, Đông Thụy Sỹ.

Với chủ đề “Sự chuyển đổi vĩ đại-sự hình thành của mô hình mới”, diễn đàn Davos năm nay diễn ra trong 5 ngày với sự tham dự của 2.600 nhân vật hoạt động trong lĩnh vực chính trị và kinh tế trong đó có 40 nhà lãnh đạo các nước và nhiều học giả trên thế giới. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các đối sách giải quyết khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro và sự suy thoái của kinh tế hiện nay, cách thức vực dậy kinh tế, đối phó với khủng hoảng đè nặng lên mọi khu vực trên thế giới.

 

Diễn đàn Davos khai mạc trong bầu không khí ảm đạm do cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các nước Tây Âu. Khu vực đồng euro vẫn chìm trong khủng hoảng, giới chủ, kinh doanh rất bi quan. Kết quả cuộc thăm dò công bố ngày 24-1 của Pricewaterhouse cho thấy trong số hơn 1.250 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi, chỉ có 40% còn tin tưởng là sẽ hoạt động tốt. Năm ngoái, tỷ lệ này là 48%. Lý do như một chuyên gia giải thích: "tình tình rất bấp bênh cho nên nhiều lãnh đạo xí nghiệp không đầu tư, không tạo công việc làm. Nhiều người không thấy rõ chuyển biến tương lai như thế nào”.

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng châu Âu thiếu các "cấu trúc chính trị" để đồng euro hoạt động phù hợp, tuy nhiên bà cũng bày tỏ quyết tâm vượt qua những yếu kém của đồng tiền này. Bà Merkel cũng khẳng định Đức sẽ không hứa những gì không thể thực hiện.

Giúp các tác nhân kinh tế tìm ra một hướng đi là kỳ vọng của Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, dù phải xem xét lại các nền tảng kinh tế thị trường. Đề tài một cuộc thảo luận ngày 25-1 nêu nghi vấn: “Phải chăng chủ nghĩa tư bản thế kỷ 20 đã thất bại trong việc gánh vác xã hội của thế kỷ 21?”.

Bên lề diễn đàn, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 27-1 sẽ chủ trì cuộc họp với chủ đề về phương án xúc tiến năng lượng nhằm đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng toàn cầu. Trong một tin liên quan, phong trào “Chiếm phố Wall” phản đối việc mưu cầu lợi ích quá mức của phố Wall (Mỹ) đã chuyển thành chiến dịch chiếm Davos.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm