Chính trị

Tin tức

Khai mạc Hội nghị APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc sáng nay (6/9) tại Hà Nội. Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới”.  

Với chủ đề “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực”, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các Bộ trưởng, trường đoàn đại diện cho 20 nền kinh tế thành viên của APEC, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức quốc tế và các Bộ, ban, ngành Việt Nam.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận 3 chủ đề liên quan đến hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng và thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa nội dung Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC, tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực không chỉ trong APEC mà còn với các đối tác bên ngoài.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị APEC lần thứ 6.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Qua chặng đường 25 năm phát triển, APEC đã thực sự trở thành một diễn đàn liên kết kinh tế đại diện cho 40% dân số và đóng góp 54% GDP toàn cầu. Từ bài học thành công và kinh nghiệm hợp tác của APEC, Thủ tướng khẳng định, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực này trong giai đoạn phát triển vừa qua.

APEC đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khung khổ thể chế phù hợp, đề cao giá trị nhân văn, bảo vệ và kết nối con người với con người. Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác của APEC đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho thanh niên, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế APEC…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng; những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, đang tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho thế giới nói chung và APEC nói riêng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức to lớn đang đặt ra cho mỗi thành viên chúng ta như phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung - cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác.  Đây là những vấn đề cần được giải quyết cả ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. Quyết tâm và nỗ lực của mỗi nền kinh tế là vô cùng thiết yếu, song chưa đủ. Với vai trò và vị trí quan trọng của mình, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người... Coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và phát triển con người…”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực” cũng như các nội dung mà Hội nghị tập trung thảo luận. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ đề ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến mới, các giải pháp hiệu quả - lấy con người làm trung tâm - trong phát triển nguồn nhân lực, qua đó góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế liên quan đến vấn đề thất nghiệp, đặc biệt là ở bộ phận lao động trẻ cũng như hỗ trợ những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người tàn tật... trên thị trường lao động.

 

 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội sau gần 30 năm Đổi mới. Nhận thức rõ vị trí quan trọng hàng đầu của yếu tố con người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng mà Việt Nam phải nỗ lực phát huy để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do với những yêu cầu và tiêu chuẩn cao về nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng khẳng định: Trong hơn 15 năm tham gia Diễn đàn APEC, Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới.

Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực lần này sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm