Chính trị

Tin tức

Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng 13-1, tại Hà Nội. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
 

 

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, việc tiếp tục quy định mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế cùng với cơ chế của Nhà nước hỗ trợ cho một số nhóm dân cư tham gia bảo hiểm y tế, tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động đến các đối tượng… là kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.

Nếu quy định là bảo hiểm y tế bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm dân cư tham gia bảo hiểm y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Do đó, Thường trực Ủy ban thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng nên quy định dứt khoát vào Luật việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc toàn dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Quan điểm sửa Luật lần này khá thận trọng; nhưng tôi cho là nếu không có quy định đột phá thì không giải quyết được vấn đề, cả trước mắt lẫn lâu dài. Muốn cải thiện điều kiện khám chữa bệnh, “phủ” bảo hiểm y tế toàn dân mà không quy định bắt buộc thì không thể làm được. Tất nhiên, ngân sách nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ những đối tượng như người có công, quân nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo...”.

Mặc dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý thêm, khi soạn thảo văn bản hướng dẫn chính sách cần lưu ý quán triệt xu hướng hỗ trợ đúng đối tượng, vì “ngay cả ở những vùng đặc biệt khó khăn hay khó khăn cũng không phải bất cứ người nào cũng cần nhà nước hỗ trợ”.

Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ông Uông Chu Lưu bình luận: “Sửa luật lần này vẫn “từng bước” thì bao giờ mới bảo hiểm y tế toàn dân? Những đối tượng khó khăn thì đã có ngân sách nhà nước lo, những người có điều kiện đóng bảo hiểm thì phải thực hiện. Quỹ ngày càng cạn đi mà không bắt buộc đóng góp thì hoặc vỡ, hoặc chất lượng khám chữa bệnh rất kém”.

Liên quan đến việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế, bà Trương Thị Mai cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 35 theo hướng quy định: dành 90% quỹ bảo hiểm y tế cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 5% để lập quỹ dự phòng quốc gia, 3% dành cho bộ máy quản lý bảo hiểm y tế các cấp và 2% dành cho phát triển mạng lưới bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, phần tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ bảo hiểm y tế được đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm y tế. Quỹ  bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn nên dự thảo Luật quy định 5% dự phòng là phù hợp, phần 5% còn lại dành cho chi phát triển bảo hiểm y tế, mở rộng diện bao phủ, chi cho bộ máy quản lý để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả giám định bảo hiểm y tế, đồng thời đưa công tác tuyên truyền vận động bảo hiểm y tế tới từng hộ gia đình, việc quy định cụ thể sẽ tạo điều kiện cho các ban ngành, địa phương triển khai thực hiện. Những năm tới là giai đoạn cần tập trung quyết liệt để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân mà Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý kết dư Quỹ là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần hướng đến việc nộp toàn bộ số tiền kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế về trung ương để phân bổ sử dụng chung, bởi các tỉnh có tỷ lệ thu bảo hiểm cao cũng là các tỉnh được ngân sách trung ương chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ lớn. Nay khoản tiền có nguồn gốc ngân sách này không được sử dụng đúng mục đích mà để lại một tỷ lệ lớn để địa phương chi dùng là không hợp lý.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm