Chính trị

Tin tức

Khai mạc phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 20-8, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại phiên họp, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu ra 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Báo vệ quyền lợi người tiêu dùng: vị trí, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành; trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại phiên họp UBTVQH thứ 31.
So với bản dự thảo đã trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, một nội dung mới được tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật lần này liên quan đến các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, UBND cấp xã, Ban quản lý các chợ, khu thương mại có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo các điều kiện cụ thể trên địa bàn của mình. Ngoài ra, căn cứ vào Luật này và điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc  bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

Về nội dung và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Đặng Vũ Minh cho biết, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo luật cũng giữ lại quy định một trong những phương thức giải quyết tranh chấp là thông qua cơ quan công quyền, mặc dù có những ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại rằng quy định như vậy là “hành chính hóa” các quan hệ dân sự và sẽ làm tăng việc, tăng kinh phí cho các cơ quan nhà nước.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói: “Không khéo rồi cơ quan hành chính tối ngày đi những giải quyết tranh chấp loại này. Mà khi cơ quan hành chính ra quyết định giải quyết rồi thì ai có trách nhiệm thi hành, rất dễ trở thành điểm nóng khiếu nại”. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Trưởng Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách... đều đồng ý với quan điểm không nên để cơ quan hành chính tham gia vào việc giải quyết tranh chấp về quyền lợi của người tiêu dùng; trừ khi người kinh doanh vi phạm pháp luật.

Về kinh phí hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, không nên lấy từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, trong trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ cho tổ chức này thì cần phải cấp kinh phí thực hiện, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nói thêm.
Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm