Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Phiên họp thảo luận về ý kiến về dự án luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Sáng 10-1, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 5, thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thảo luận về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng: Hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn “đặt” người dân vào thế thụ động, chưa tạo điều kiện để người dân được tiếp cận kiến thức, văn bản pháp luật khi có nhu cầu.
Ông Nguyễn Kim Khoa- Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh đề nghị: Cần xã hội hoá công tác này với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, tránh hành chính hoá, gây khó khăn cho người dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: Một số vấn đề trong dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý song vẫn còn chung chung, chưa làm rõ tính thực tiễn, khả thi và hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Cũng trong sáng nay, khi thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, một số ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì quy định “đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”. Vì cho rằng buộc cách ly người bán dâm khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả. Nếu không có biện pháp xử lý thì tệ nạn mại dâm sẽ phát triển, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Không đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hiện- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Xử lý như vậy là quá nghiêm khắc, phần nào hạn chế quyền tự do của công dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các đô thị lớn, tình hình vi phạm hành chính phổ biến, diễn biến phức tạp và thường gây hậu quả lớn, vì vậy cần có quy định riêng mang tính đặc thù. Trong đó, cần thiết quy định mức phạt tiền cao hơn tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Vấn đề này cũng được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao.
Theo TTXVN