Pháp luật

Tin tức

Khai thác đá ở Chư Sê: Diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chư Sê (Gia Lai) là một trong những huyện tập trung nhiều mỏ đá với trữ lượng lớn và đa dạng về chủng loại, trong đó có những loại đá quý. Cũng chính vì vậy, những năm qua nguồn khoáng sản này đang bị xâm hại…
Thợ đang mài đá. Ảnh: Lê Anh
Phong trào sử dụng những loại đá quý để chế tác thành hàng mỹ nghệ diễn ra trong thời gian qua khiến tình hình săn tìm đá ở xã Hbông, huyện Chư Sê đang trở thành “cơn sốt”. Chính vì vậy, nghề săn tìm các loại đá như mộc thạch (cây hóa đá), mã não… được xem là nghề hái ra tiền của người dân nơi đây. 
Mới đây, chúng tôi có mặt tại xã Hbông. Mặc dù cả tháng nay trời mưa kéo dài nhưng không phải vì thế mà cảnh buôn bán, săn tìm đá giảm đi. Anh Rơ Mah Tuyn- một người “có nghề” tại đây cho biết: “Vẫn còn nhiều đoàn đi tìm đá lắm, vì thời điểm này giá bán khá cao. Những loại này thường nằm lộ thiên hoặc nằm xen lẫn với các loại đá khác nên chỉ cần bắt được mạch đá là có thể khai thác. Tuy nhiên những loại này không cố định ở một điểm nào cả. Nếu may mắn có thể trúng cả trăm triệu đồng…”. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán các loại đá mã não trắng, kim sa não, mộc thạch thường không cố định mà tùy vào hình dạng, kích thước… nên dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Đắt nhất trong các loại đá quý ở Hbông là mã não đỏ và đã có người kiếm được vài trăm triệu đồng…
Viên mã não đỏ được định giá 15 triệu đồng. Ảnh: Lê Anh
Đến điểm thu mua và chế tác đá cảnh gần trụ sở UBND xã Hbông, chúng tôi tận mắt chứng kiến 3 thợ mài đá đang miệt mài tạo hình dáng cho những khối đá đủ màu sắc. Theo tìm hiểu, họ đều là người miền Bắc đến đây làm công. Những người này cho biết: Họ làm ăn theo sản phẩm, mỗi tháng nếu hàng về đều cũng kiếm được từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Thời điểm này hàng được tiêu thụ nhanh vì nhiều người đặt.
Với nguồn lợi lớn như vậy, hàng trăm lượt người dân địa phương đã lặn lội khắp nơi đào bới tìm kiếm đá, nên đã làm thất thoát nguồn tài nguyên khá lớn. Ông Nguyễn Đình Viên- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê cho biết: “Việc khai thác đá cảnh diễn ra rải rác, không có địa điểm cố định. Chúng tôi cũng chưa xác định được giá trị thực của những loại đá này để có những biện pháp ngăn chặn tối ưu. Tuy vậy, đây là tài nguyên khoáng sản quốc gia nên khai thác trái phép dưới hình thức nào cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật…”.
Chư Sê có trữ lượng đá lớn và đa dạng về chủng loại như đá Granit, đá vôi, ba zan... phân bố tại các xã: Ia Pal, Ia Tiêm, Bar Măih và Hbông. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng khai thác đá trái phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng huyện Chư Sê đã xử lý 13 vụ vi phạm khai thác đá trái phép, với khối lượng hơn 500 m3 đá cục, 30.000 viên đá chẻ. Xử phạt hành chính hơn 92 triệu đồng và tạm giữ 3 máy đào, 6 ô tô. Nói về tình trạng này, ông Viên cho biết thêm: “Qua công tác kiểm tra, vẫn còn tình trạng một số tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển đá trái phép”.
Lê Anh- Hoài Lâm

Có thể bạn quan tâm