(GLO)- Thật tiếc nếu như mọi người đến với phố núi Pleiku mà không tung tăng cùng núi đồi, thung lũng ngoại ô để được thưởng ngoạn mây ngàn, gió núi, nhất là vào mùa cỏ hồng và hoa dã quỳ bung nở khắp thảo nguyên xanh.
Sau những ngày giãn cách vì dịch bệnh, chúng tôi có hành trình khám phá ngoại ô Pleiku. Bắt đầu từ hướng Đông thành phố với cánh đồng Lom nằm phía trước nhà thờ Plei Chuét (phường Thắng Lợi). Đây là thung lũng có hình tròn và bằng phẳng như mặt gương soi, rộng gần chục héc ta. Dường như nơi đây, người dân địa phương chỉ gieo cấy lúa một vụ; còn mùa mưa nước ngập trắng đồng, họ lại khai thác cá, cua tự nhiên để cải thiện bữa ăn gia đình. Dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh (phường Chi Lăng), xuôi về phía thung lũng, chúng ta bắt gặp cánh đồng làng Khương, nơi trước đây người ta khai thác đá làm vật liệu xây dựng nên dân trong vùng còn gọi là “đồng Đá” thoáng rộng và xinh tươi. Cách cánh đồng này không xa là núi Ya, nơi có trường bắn của bộ đội địa phương quản lý nên người dân thường gọi núi là “Trường Bắn”. Đứng bên núi Ya nhìn thấy chân núi Hàm Rồng. Quay máy từ trên cao, chúng ta nhìn thấy bóng dáng hai ngọn núi “phụ tử”: núi cha (Hàm Rồng), núi con (núi Ya). Từ đây, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh ở bên cạnh về phía Bắc hồ lớn (Biển Hồ) có một hồ nước nhỏ (làng Bruk Ngol) trông như hồ mẹ-hồ con (mẫu tử). Quả là thiên nhiên kỳ thú đã tạo ra một địa hình độc đáo cho TP. Pleiku với âm-dương hài hòa và một thế đứng vững chãi, ấm áp, vượng khí bốn mùa. Có lẽ từ ý tưởng này, nhà thơ Phạm Đức Long đã có cái nhìn phồn thực rất Chăm Pa: “Núi Hàm Rồng như Lin Ga/Biển Hồ như Yo Ni/Âm dương giao hòa/Làm nên Pleiku/Mơ hồ, lãng mạn”.
Cánh đồng Plei Ốp và cánh đồng Thiên Thanh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Dưới chân núi Hàm Rồng nhìn về hướng Tây, chúng ta bắt gặp cánh đồng Bàu 4 (cách gọi của người Kinh), người Jrai làng Nhao (xã Ia Kênh) gọi là đồng Ia Rooc. Chạy dọc theo đồi thông xanh và rừng bạch đàn nhìn về phía thung lũng, chúng ta gặp cánh đồng Ia Pang (Bàu 3) hình rẻ quạt. Tiếp đến, chạy vòng về phía Tây Bắc ta tiếp cận cánh đồng làng Ia Blơ (Bàu 2) cùng thuộc xã Ia Kênh (mới sáp nhập về TP. Pleiku từ huyện Ia Grai). Những cánh đồng ở các thung lũng ngoại ô nơi đây, đồng bào địa phương đã khai thác làm lúa 2 vụ; mỗi đồng ruộng có diện tích ước chừng 5 đến 7 ha; mùa này lúa đang độ chín vàng trông khá đẹp mắt. Chung quanh các triền thung lũng, đất đai được người dân đô thị khai thác triệt để lập vườn, trang trại cà phê, cây ăn quả. Đây là một mảng xanh vành đai của đô thị vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa bảo vệ môi trường trong lành cho TP. Pleiku. Cánh đồng nối tiếp cánh đồng, chúng ta lại đến thung lũng làng Ia Lang (người Kinh gọi là đồng Bàu 1-Hội Phú). Đây là một lòng chảo đẹp, xung quanh là đồi thông xanh bên con đường Trường Sa. Dân làng Ia Lang trồng lúa một vụ và hoa màu quanh năm. Nhiều gia đình người Kinh đến khai phá làm hồ nuôi cá, trồng sen và súng.
Hình thù, địa mạo tự nhiên của TP. Pleiku mang dáng dấp của một cao nguyên đặc thù với nhiều đồi núi nhấp nhô sóng lượn, các thung lũng, nhiều suối, khe và các bãi bằng rộng như thảo nguyên, có hai mùa mưa-nắng rõ rệt, tạo nên một miền đất có phong cảnh đẹp và thơ mộng, với cư dân bản địa cùng nhiều sắc thái văn hóa truyền thống phong phú. |
Theo chiều kim đồng hồ, chúng tôi đi về hướng Tây, gặp cánh đồng dưới chân núi Đá, nơi giáp ranh với xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Và vòng về ngoại ô hướng Đông, đến làng du lịch Plei Ốp, chúng ta gặp một lòng chảo tròn trịa rộng độ vài ba héc ta, dân làng trồng hoa màu. Nếu quy hoạch và xây dựng Plei Ốp thành điểm đến đặc biệt của TP. Pleiku, bên cạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai bản địa, chúng ta cần khai thác, tôn tạo lòng chảo của làng Ốp thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi thưởng ngoạn mùa hoa dã quỳ hàng năm đối với du khách.
Nếu những thung lũng, lòng chảo vùng ngoại ô như chuỗi ngọc trai quàng lên cơ thể đô thị Pleiku với đủ sắc màu thì các cánh đồng giữa lòng thành phố (Thiên Thanh, Plei Ngol) như những đóa hoa đeo trước ngực, tạo cho bức tranh Phố núi thêm ngoạn mục, nổi bật giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Nhân đây, chúng tôi đề cập một chút về phương án quy hoạch TP. Pleiku từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mặc dù các nhà chuyên môn có chú trọng đến phát triển, mở rộng vùng phụ cận về ngoại ô đô thị, nhất là giao thông và các phân khu dân cư, khu công nghiệp… nhưng rất tiếc chưa dành nhiều quan tâm đến các thung lũng, lòng chảo, nét cơ bản tạo nên hình thái đặc thù của phố núi Pleiku. Để xây dựng đô thị Pleiku phát triển hợp lý, hài hòa, đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe, chúng tôi đề xuất các nhà quy hoạch cần lưu tâm, chi tiết hóa các thung lũng, lòng chảo vùng ngoại ô cũng như ở nội đô, biến chúng thành những vùng du lịch sinh thái hay các hồ nước nhân tạo cùng với các phân khu dân cư chung quanh với kiến trúc nhà ở phù hợp vùng cao nguyên. Việc giải tỏa, đền bù ở nội đô tuy có khó khăn nhưng với quyết tâm và giải quyết thỏa đáng lợi ích của người dân thì có thể làm được. Còn đối với vùng ngoại ô hiện tại, một số nơi còn hoang hóa hoặc đã được người dân khai phá thành vườn tược thì việc quy hoạch, xây dựng các khu sinh thái không mấy vướng mắc. Với việc đầu tư hạ tầng và có chính sách thông thoáng, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các dự án này nhằm đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời làm đẹp, cải tạo môi trường TP. Pleiku xứng tầm với một cao nguyên kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng.
BÙI QUANG VINH - TRẦN HOÀI NAM