(GLO)- Theo đánh giá, rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng ven biển, đảo ở tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Khánh Hòa liên tục bị suy giảm; trong khi việc khôi phục lại đang rất khó khăn.
Trồng rừng ngập mặn ở vịnh Nha Trang. Ảnh: Bình Nguyên |
Tại khu vực đầm Bấy thuộc vịnh Nha Trang, các đoàn thể trong tỉnh vừa tổ chức trồng rừng trên 10.000 cây ngập mặn, với diện tích 2 ha, trong đó chủ yếu là cây đước. Việc khôi phục và trồng rừng ngập mặn tại vịnh Nha Trang được thực hiện từ năm 2002. Đến nay, khu vực này đã có hơn 10 ha rừng ngập mặn; trong đó 7 ha là do các đơn vị, tổ chức trồng và chăm sóc; qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái và tạo sinh kế cho người dân.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn lại khoảng 78 ha rừng ngập mặn so với khoảng gần 2.500 ha rừng ngập mặn trước những năm 1990. Rừng ngập mặn ở Khánh Hòa bị suy giảm mạnh là do phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Việc khôi phục lại rừng ngập mặn cũng gặp không ít khó khăn do đất ngập mặn trước đây đã biến đổi khiến cây giống ngập mặn khó thích nghi. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số cây ngập mặn được trồng mới cho tỷ lệ sống chỉ từ 50% đến 60%, có nơi từ 10% đến 20%.
Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với Khánh Hòa, tỉnh có 385 km đường bờ biển. Diện tích rừng ngập mặn phân bố ở 18 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh giúp chắn sóng, chắn gió, bảo vệ đường bờ biển, đê điều; môi trường sinh thái; các loài động-thực vật; ứng phó với biến đổi khí hậu… Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ trồng khoảng 1,2 triệu cây để phủ kín diện tích đất ngập mặn còn lại, kinh phí thực hiện khoảng 26 tỷ đồng.
Bình Nguyên