Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hai doanh nghiệp được phép khai thác loại khoáng sản này là Công ty đầu tư và khai thác khoáng sản Khánh Hòa (Minexco) và Công ty cổ phấn cát Cam Ranh (Fico).
Minexco khai thác, tuyển rửa cát trắng với công nghệ rửa sạch cát bằng nước, sau đó xuất khẩu, với sản lượng khai thác (theo thiết kế) là 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp này đang khai thác từ 500-600.000 tấn/năm.
Còn công ty Fico khai thác, tuyển rửa cát trắng thuỷ tinh để tiêu thụ trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thủy tinh, kính xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, với công suất khai thác từ 150-200.000 tấn/năm.
Tỉnh Khánh Hòa có mỏ cát trắng thuỷ tinh với trữ lượng trên 64 triệu tấn, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm.
Cát trắng Khánh Hòa nổi tiếng thế giới về chất lượng, ít tạp chất, đạt tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh cao cấp. Nguồn nguyên liệu này lâu nay chỉ xuất khẩu ở dạng thô sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung diện tích 100ha cát trắng thuộc địa bàn huyện Cam Lâm vào quy hoạch khai thác và sử dụng lâu dài.
Đồng thời, thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm cũng đang triển khai các khu du lịch quy mô lớn, nên nhiều khả năng sẽ bị chồng lấn trên nhiều diện tích mỏ cát trắng. Việc chấm dứt xuất khẩu cát trắng nhằm mục đích sử dụng hiệu quả và làm nguồn dự trữ của quốc gia trong tương lai.
Theo TTXVN