(GLO)- Dường như có cơ duyên với gỗ, từ khi còn là một thanh niên, anh Trần Đức Vinh đã miệt mài sưu tập và chuyển tải nỗi lòng của mình vào những bức tượng bằng gỗ lũa-loại gỗ đã bị bào mòn bởi thời gian và những tác động của tự nhiên.
Căn nhà nhỏ cấp 4 vừa là quán cà phê vừa là nơi trưng bày hơn 200 tác phẩm được tạc bằng gỗ lũa mang tên Hồn Gỗ (337 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku). Những gốc cây, rễ cây trải qua sự bào mòn của thời gian và cả những gốc cây bị đốt cháy nằm lãng quên giữa đại ngàn, sông suối đã được anh Vinh đưa về từ những ngày đầu sưu tập. Trong khoảng không gian còn chật hẹp, chủ nhân của nó đã khéo léo sắp đặt từng cụm tượng với những chủ đề riêng. Điều này không chỉ thể hiện sự tinh tế mà còn chuyển tải những thông điệp mà anh muốn gửi gắm. Anh tâm sự: “Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá khốc liệt. Chính vì thế, cần phải thổi hồn vào thân cây mục nát đó để con người chúng ta nhận thức rõ hơn về thực trạng này”.
Anh Trần Đức Vinh bên các tác phẩm. Ảnh: H.Đ.T |
Để thông điệp của mình có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, ngoài thời gian dành cho việc mưu sinh hàng ngày bằng nghề cắt tóc, anh Trần Đức Vinh luôn dành tình yêu cho núi rừng, sông suối. Chính những tháng ngày lang thang khắp núi rừng Tây Nguyên, anh đã cảm nhận được sự tác động khốc liệt của bàn tay con người đối với môi trường sống. Điều đó càng khiến anh có thêm động lực cho những chuyến đi. Với nhiều người, những khúc gỗ lũa bề ngoài mục nát kia chắc chẳng còn mấy giá trị, nhưng dưới con mắt của anh Vinh chúng hoàn toàn có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Để có thể làm “sống lại” được những khúc gỗ lũa vô tri, anh trò chuyện cùng người thợ điêu khắc, truyền ý tưởng để nhờ bàn tay họ biến chúng thành tác phẩm mang những thông điệp khác nhau.
Cứ như thế, miệt mài trong suốt hơn 16 năm qua, bộ sưu tập của anh ngày một dày thêm. Chính chủ nhân của nó cũng không thể nhớ hết được mình có trong tay bao nhiêu tác phẩm được chế tác từ gỗ. Ý tưởng mở quán cà phê để làm nơi truyền tải thông điệp đến với nhiều người hơn đã thành hình được vài năm qua. Qua sự sắp đặt tài hoa, anh Trần Đức Vinh đã thành công khi tạo lập những không gian riêng biệt theo từng chủ đề. Ở đó có hình tượng người Mẹ được anh chăm chút, nâng niu với những tác phẩm như “Tử cung”, “Tình mẫu tử”; hay sự đau đáu trước những vấn nạn của xã hội đã tác động đến đời sống của vạn vật. Thế nên, với mỗi không gian khác nhau, người xem có thể cảm nhận được những nỗi niềm để cùng lắng lòng, tìm đến sự thanh thản giữa cuộc sống. Anh bộc bạch: “Cầu mong mỗi người khi đến đây chỉ cần dành ra một phút tĩnh lặng, bởi cuộc sống luôn thúc đẩy con người ta vào sự xô bồ. Vậy thì hãy sống chậm lại và lắng lòng đôi phút để quay về với bản thể của chúng ta”.
Khách hàng đến với cà phê Hồn Gỗ gồm nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau nhưng tựu trung đều có chung một cảm nhận về sự yên bình, nhẹ nhõm. Ông Hồ Tịnh Tâm (huyện Kông Chro) chia sẻ: “Bước vào đây chợt thấy tâm hồn mình rất thanh thản. Thế nên mỗi lần có công chuyện đi ngang qua tôi sắp xếp thời gian để mà ghé vào. Trước là thưởng thức nghệ thuật, sau là thả lỏng mình để sống chậm lại”. Cùng suy nghĩ với ông Tâm, chị Bùi Thị Thanh Vân (TP. Pleiku), cũng nhận xét: “Trong cuộc sống xô bồ hiện tại thì đây là không gian yên tĩnh mà mình muốn tìm đến những lúc cần nghỉ ngơi thư giãn. Đến đây cảm thấy thân tâm được nhẹ nhàng hơn”.
Dùng cái đẹp để thức tỉnh, đó là một thông điệp lớn mà anh Trần Đức Vinh, dù chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo về mỹ thuật nào-đã và đang làm thành công. Với anh, đó là sự chuyển tải nỗi lòng của mình thay cho bao người với mong muốn quay về với một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc hơn…
Hà Đức Thành