Kinh tế

Khi liên kết bốn nhà thiếu chặt chẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chương trình liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, với mục đích từng bước công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến lên sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Nhưng sau gần 10 năm thực hiện, việc liên kết 4 nhà tại vùng trọng điểm nông nghiệp phía Đông tỉnh Gia Lai vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả…
Khu vực phía Đông tỉnh được xem là một trong những vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Gia Lai. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, cùng sự góp mặt của nhiều nhà máy chế biến nông sản, những năm qua việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp đã làm cho bộ mặt nông nghiệp có những bước tiến dài. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của khu vực này vẫn thiếu tính bền vững khi mối liên kết giữa 4 nhà thiếu chặt chẽ đã khiến nông dân và doanh nghiệp nhiều lần ôm “trái đắng”.
Xe chở mía đứng xếp hàng chờ đến lượt nhập hàng. Ảnh: Lê Anh
Để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, nhiều năm qua, các nhà máy đứng chân trên khu vực đã ký hợp đồng bảo hiểm giá, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón, máy móc… để người dân yên tâm sản xuất. Nhưng đã không ít lần nông dân vẫn sẵn sàng bội ước bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn khiến nhà máy điêu đứng vì thiếu nguyên liệu. Mới đây nhất, để khôi phục lại vùng nguyên liệu bông vải, Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Gia Lai đã đầu tư 831 triệu đồng cho 467 hộ dân ở huyện Kông Chro trồng mới 520 ha, với mức giá bảo hiểm 11.500 đồng/kg và sẽ tăng theo thị trường. Đến vụ thu hoạch, nhiều thương lái đã lén lút liên hệ với nông dân để mua với giá cao hơn nhà máy từ 500 đồng/kg đến 700 đồng/kg, khiến nhà máy thiếu nguyên liệu và không thể thu hồi vốn đầu tư. Đứng trước tình trạng này, UBND huyện Kông Chro đã nhiều lần có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân thu mua trái phép nhằm ngăn chặn tình trạng này và đảm bảo quyền lợi cho nhà máy nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Do trình độ còn hạn chế, vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của người nông dân, cùng với đó điều kiện ràng buộc trong hợp đồng còn lỏng lẻo về mặt pháp lý, nên việc xử lý vi phạm hợp đồng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước với tư cách là “trọng tài” chỉ dừng lại ở định hướng, chưa thể can thiệp sâu; nhà khoa học có nhiệm vụ giúp đỡ cho nông dân kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, nên việc tranh chấp chủ yếu là “cuộc đấu tay đôi” giữa nông dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp không dám tiếp tục đầu tư cho nông dân vì phải đối mặt với rủi ro lớn. Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: “Chương trình liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vấn đề bất cập khi chưa có chế tài rõ ràng để xử lý vi phạm khi các bên vi phạm hợp đồng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Việc ký kết hợp đồng chỉ diễn ra giữa hai bên, Nhà nước không có tham gia, nên vai trò chỉ dừng lại mức độ nhất định…”.
Công bằng nhìn lại, cũng đã có rất nhiều lần nông dân phải ôm “trái đắng” vì chính sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa 4 nhà. Đã một thời, cây điều được hứa hẹn là cứu cánh để nông dân thoát nghèo, toàn khu vực phía Đông có hơn 5.000 ha. Nhưng chỉ qua vài vụ, cây điều không đem lại năng suất khi nông dân thiếu kỹ thuật canh tác, nhưng vẫn không nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học; giá điều lên xuống thất thường, nông dân lại không nhận được sự đảm bảo về đầu ra từ các nhà máy, nên cây điều nhanh chóng bị xóa sổ. Đến thời điểm này, toàn bộ khu vực phía Đông chỉ còn hơn 500 ha nhưng chủ yếu để “làm cảnh”. Ông Nguyễn Hữa Phước, ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro cho biết: “Năm 2002, gia đình tôi còn hơn 2 ha điều, ban đầu cũng hy vọng nhiều về loại cây này, nhưng do không nắm bắt về kỹ thuật nên năng suất giảm, bên cạnh đó giá thấp quá nên chặt bỏ bớt. Bây giờ chỉ còn chưa đến 5 sào, thu được bao nhiêu thì thu chứ đâu còn hy vọng gì…”.
Thời gian gần đây, nông dân trồng mía cũng đang lâm vào tình trạng khốn đốn khi các nhà máy đường chậm trong việc thu mua với lý do năng suất mía năm nay cao, công suất hoạt động giảm do thiếu nước sản xuất… Chính vì sự chậm trễ của các nhà máy, nên tại khu vực phía Đông nhiều nông dân trồng mía đang nơm nớp lo vì mía cháy (đã xảy ra 9 vụ với hơn 35 ha mía bị cháy) và chậm tiến độ cho niên vụ mía mới. Nhiều nông dân phải bán rẻ công sức lao động của mình cho thương lái để tránh rủi ro. Bà Nguyễn Thị Bốn, ở xã Nghĩa An, huyện Kbang cho biết: “Vừa rồi, nghe tin mía của một số hộ dân bị cháy nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy nhà máy đến thu mua nên gia đình tôi bán cho thương lái chỉ với giá 800.000 đồng/tấn để kịp dọn đất làm vụ mới. Bỏ cây mía thì biết trồng cây gì nhưng trồng thì lại lo…”. Tính đến thời điểm này, toàn khu vực phía Đông vẫn còn gần 3.000 ha mía nằm phơi nắng trong sự lo lắng của người dân…
Trong khi vai trò “trọng tài” của Nhà nước chưa sát, nhà khoa học hoạt động với công suất thấp, doanh nghiệp và nông dân là trung tâm của mối liên kết nhưng không đặt trọn niềm tin vào nhau đã làm cho mối liên kết của 4 nhà thiếu chặt chẽ, nên rủi ro trong sản xuất là điều khó tránh khỏi. Chỉ khi nào, cả 4 nhà cùng nhìn về một hướng, mới có thể xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm