Thời sự - Bình luận

Khi "nhà thuốc thế giới" cũng... hôn mê vì COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

16,6 triệu ca dương tính COVID-19. Số tử vong, ngày 24.4, lên tới 2.624 ca, một kỷ lục. Số người chết: Ngót 200 ngàn. Chúng ta đang nói tới Ấn Độ. Mà Ấn Độ được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới”.

 

Cảnh hoả táng bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: AFP


“Nhà thuốc của thế giới”, bởi “Ấn Độ chính là nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới”. Địa chỉ của “60% sản phẩm vaccine toàn cầu”.

“Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ, với 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất, ước tính vào khoảng 43 tỉ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022”.

“Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ”.

Trước đó khi bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19, “Ấn Độ đã khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại với hai loại vaccine "sản xuất tại Ấn Độ". Trong giai đoạn đầu, 300 triệu người đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch được tiêm vaccine. Vaccine COVID-19 của Ấn Độ cũng đang được vận chuyển đến nhiều quốc gia trên thế giới”.

“Rất có khả năng vào thời điểm này, ở một nơi nào đó trên thế giới, một đứa trẻ đang nhận một mũi tiêm vaccine được sản xuất ở Ấn Độ”.

Ngoặc kép, dẫn từ phát biểu của ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam tại một hội thảo xúc tiến đầu tư dược phẩm Ấn Độ vào Việt Nam vào tháng 1.2021 này.

Tất cả sức mạnh và niềm tự hào ấy, đúng như chữ dùng của ngài Đại sứ, chỉ cần gói gọn trong mấy chữ “Nhà thuốc của thế giới”.

Nhưng rồi thời điểm này, đang xuất hiện lằn ranh mong manh “sống và chết”, những bệnh nhân nhiễm COVID-19 “chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận”, khi mà ở chính “nhà thuốc” hùng mạnh ấy “giường bệnh không còn, máy thở oxy đã hết và oxy cũng hết luôn”- lời Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.

Mở ngoặc nói thêm, tình trạng thiếu oxy vẫn xảy ra trong khi năng lực sản xuất oxy hàng ngày của Ấn Độ có thể lên tới ít nhất là 7.100 tấn.

Câu chuyện Ấn Độ chỉ đang cho thấy sự khôn lường của đại dịch và sức huỷ hoại, tàn phá khủng khiếp của nó, khi chỉ trong vài tháng vài ngày có thể hút cạn mọi nguồn lực, làm sụp đổ mọi hệ thống y tế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát đại dịch ở Ấn Độ đã được chỉ ra: Những lễ hội với việc tập trung rất đông người. Và sự chủ quan.

So với Ấn Độ, năng lực y tế Việt Nam, đặc biệt là vaccine và sinh phẩm y tế, vẫn còn ở... đâu đó.

Và cả nước cận kề kỳ nghỉ lễ lớn, với những tụ điểm tập trung đông người.

Có lẽ, sẽ không thừa nếu đặt ra một cảnh báo, một báo động đỏ, để ít nhất người dân đừng quên 5K, đừng quên COVID-19 chưa bao giờ hết. Đừng quên, ngay bên cạnh, hàng xóm của chúng ta đang phải phong toả thủ đô, đối mặt với số ca nhiễm ngày càng tăng, khi dịch bệnh đã đến ngưỡng nguy hiểm.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-nha-thuoc-the-gioi-cung-hon-me-vi-covid-19-902074.ldo
 

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm