Khi nhân dân đồng lòng góp sức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một xã nghèo, đời sống kinh tế của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn song không dễ có nơi nào người dân lại sẵn sàng góp công, góp của xây dựng các công trình xã hội như ở xã Ia Tôr (Chư Prông). Chính sự chung tay đầy trách nhiệm ấy đã đem đến diện mạo mới cho nông thôn xã vùng sâu, vùng xa này.

Khó trăm đường dân liệu cũng xong

"Đoạn đường đất liên thôn thuộc thôn 1, xã Ia Tôr đã bao năm là nỗi ám ảnh của hàng chục hộ dân trong thôn mỗi khi mùa mưa tới. Đường vừa dốc, vừa lầy lội khó đi. Khổ cực nhất là con em mỗi khi đến lớp. Thấy vậy, trưởng thôn Lê Thành Trung đã đứng ra bàn với lãnh đạo xã xin kinh phí hỗ trợ, đồng thời tổ chức họp dân, vận động bà con mỗi người một ít tiền của, đổ công cùng chung tay với Nhà nước cải tạo con đường.

 

Nhân dân thôn 1-xã Ia Tôr làm đường bê tông liên thôn. Ảnh Lê Hòa
Nhân dân thôn 1-xã Ia Tôr làm đường bê tông liên thôn. Ảnh Lê Hòa

Cả thôn chỉ có 93 hộ với 540 nhân khẩu, chủ yếu là bà con miền Trung, miền Bắc vào làm kinh tế mới, đời sống cơ bản ổn định. Mới hồi tháng 7 vừa qua, hưởng ứng phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, thôn đã phát động bà con góp tiền xây dựng hội trường thôn làm nơi sinh hoạt, tổ chức họp hành bàn việc chung… trị giá 115 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 90 triệu đồng). Có nơi học tập, sinh hoạt khang trang, bà con ở đây rất phấn khởi. Thấy vậy, bà trong thôn lại tiếp tục vận động xây dựng nốt đoạn đường hành dân bấy lâu nay.

Cứ theo hộ nằm trên con đường ấy mà tính, mỗi nhà 5 triệu đồng, nhà nào thuộc diện hộ nghèo, có người đau bệnh thì bớt cho 1 triệu đồng, nhà nào có vườn rẫy đi ngang qua góp thêm chút ít với bà con trong thôn. Vậy là có tiền làm đường”-Trưởng thôn Lê Văn Trung cười giòn tan, kể.

 

Những con đường bê tông đẹp như thế này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều lần. Ảnh Lê Hòa
Những con đường bê tông đẹp như thế này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều lần. Ảnh Lê Hòa

Đoạn đường dài chừng 300 mét, cả thôn vận động được 90 triệu đồng tiền đóng góp. Để tiết kiệm chi phí làm đường, thôn kêu gọi mọi người góp công, cùng làm đường, không những giảm bớt chi phí mà còn đảm bảo chất lượng. “Số tiền còn thiếu sẽ xin kinh phí của xã và huyện, trước mắt bà con cũng bỏ tiền túi ra cho… ứng trước, khi nào có tiền về sẽ trả lại bà con”-Trưởng thôn Trung cho hay.

Chưa hết, bà con trong thôn còn bàn nhau, sắp tới sẽ góp tiền của hoàn thiện tiếp nhiều con đường nữa. Và gần nhất sẽ là bắc điện đường trong thôn với kinh phí dự kiến khoảng 45 triệu đồng. Bao nhiêu việc khó, trong lúc kinh phí Nhà nước hạn hẹp, chưa thể đầu tư thì nhân dân đã cùng nhau góp sức, chung tay giải quyết. Thật khó thấy nơi nào, người dân lại sẵn sàng và nhiệt huyết cùng chung tay với chính quyền đến như vậy. “Thì cũng bà con mình hưởng cả chứ ai hưởng vào đây, đường đi sạch đẹp, sáng sủa thì dân mình bớt khổ. Bà con cứ nghĩ thế là sẵn sàng làm thôi”-Trưởng thôn Trung bày tỏ.

Bài học “vận sức dân”

 

Bà con không chỉ góp của, mà còn tự tay làm nên những con đường bê tông, vừa để tiết kiệm, vừa đảm bảo chất lượng. Ảnh Lê Hòa
Bà con không chỉ góp của, mà còn tự tay làm nên những con đường bê tông, vừa để tiết kiệm, vừa đảm bảo chất lượng. Ảnh Lê Hòa

Ia Tôr vẫn còn là một xã khó khăn của huyện Chư Prông. Tính đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới chỉ hoàn thành được 7/19 tiêu chí. Tuy còn khiêm tốn, song đó đã là cả một quá trình nỗ lực lớn của chính quyền địa phương và nhân dân, trong đó, việc kêu gọi và huy động sức đóng góp từ nhân dân được coi là một thành công lớn, là điểm nhấn quan trọng trong công tác triển khai chương trình tại địa phương.

Nói về điều này, Phó Chủ tịch xã Ia Tôr-anh Bùi Xuân Linh, cho hay: “Ở xã Ia Tôr, không chỉ riêng thôn 1 đã làm tốt điều này mà còn nhiều thôn khác cũng làm tốt không kém. Kêu gọi sức dân đóng góp đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, làm những công trình thiết thực và hiệu quả ắt sẽ thuyết phục bà con”.

 

Sẽ không còn là khó nếu lòng dân đồng thuận. Ảnh Lê Hòa
Sẽ không còn là khó nếu lòng dân đồng thuận. Ảnh Lê Hòa

Anh Linh dẫn chứng, từ đầu năm đến nay, hàng loạt công trình mới trị giá hàng trăm triệu đồng tại địa bàn các thôn được cho “ra lò” nhờ có sự cộng đồng trách nhiệm từ chính phía những người dân: Trạm biến áp ở thôn Đoàn Kết trị giá 400 triệu đồng đều là số tiền do nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng. Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn góp 53 triệu đồng cùng chính quyền làm cống thoát nước đường nội thôn. Hay như thôn 4 đã vận động nhân dân đóng góp được hơn 130 triệu đồng làm đường bê tông xi măng…

Thật khó để nghĩ tới việc kêu gọi đóng góp cả trăm triệu đồng để làm các công trình dân sinh, công trình công cộng ở một nơi còn nhiều khó khăn và xa xôi như Ia Tôr. Đó là việc làm không hề dễ ngay cả ở những nơi đời sống kinh tế-xã hội phát triển. “Khi người dân nhận thức được sâu sắc quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình với việc xây dựng thôn, làng, quê hương mình họ ắt sẽ tham gia cùng chính quyền địa phương làm những công việc chung. Mà muốn có được điều đó, cán bộ xã, thôn phải thật sự gần dân, hiểu dân, nói cho bà con nghe và hiểu. Khi tư tưởng đã thông, lợi ích đã thấy rõ, việc khó sẽ không còn là khó”-Phó Chủ tịch xã Bùi Xuân Linh chia sẻ kinh nghiệm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm