Kinh tế

Khi nhân dân đồng lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với Ia Phang-một trong những xã “trẻ” thuộc huyện Chư Pưh-trong những năm qua, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn xây dựng nông thôn mới, bằng sức mạnh của sự đồng sức, đồng lòng, Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đưa chương trình này tiến gần hơn tới cái đích thành công.

Giải bài toán lòng dân

Là xã điểm xây dựng nông thôn mới, Ia Phang có diện tích tự nhiên là 12.762,2 ha với 1.681 hộ với 9.105 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%. Xã có 12 thôn, làng; trong đó có 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (gồm 6 làng nghèo và 2 làng phong). Đến nay, Ia Phang đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 

Làm cầu qua suối ở xã Ia Phang. Ảnh: Lê Hòa

Khó khăn chung hiện nay của các xã khu vực Tây Nguyên là bởi địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn… Ấy vậy mà về vấn đề “khó nhằn” này, Ia Phang lại làm rất tốt. Chủ tịch UBND xã Ia Phang-ông Trần Văn Sơn, cho biết: “Từ ngày triển khai đến nay, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và sự góp sức từ phía người dân, xã đã xây dựng được gần 20 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 4,6 km đường láng nhựa, 220 mét đường bê tông và còn lại là đường cấp phối, cứng hóa”.

Mới thoáng nghe những con số tưởng chừng đơn giản nhưng để đạt được những con số ấy quả là không hề dễ. Mỗi khi mở rộng đường, nhiều nhà phải chặt phá đi vườn cây hàng năm cho thu hoạch bạc triệu lại càng phức tạp hơn. Chủ tịch xã Ia Phang-ông Trần Văn Sơn, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xoay quanh việc vận động bà con làm đường giao thông nông thôn: “Có hộ gia đình ở làng Briêng, khi mở rộng đường từ 3 mét lên 7 mét theo tiêu chí đã “cắt” mất của gia đình họ chừng 30 trụ tiêu. Chừng ấy cũng đủ làm họ mất thu hàng chục triệu đồng mỗi năm nên họ nằng nặc không chịu. Đích thân Chủ tịch xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện đoàn thể phải nhiều lần đến nói chuyện động viên, phân tích cho người dân vì lợi ích chung thì cả tháng sau, điểm “tắc” ấy mới được khơi thông. Cũng đau đầu lắm!”.

Lại có trường hợp hộ dân ở thôn Hòa Thuận, vì việc mở đường sẽ khiến hệ thống tường rào vườn tược bị phá hủy, lại bị mất mấy chục mét vuông đất vườn nên phản đối kịch liệt. Hễ đoàn làm đường xuất hiện là họ lại kéo người ra ngăn cản, hò hét. Vậy nhưng, sau khi kiên trì thuyết phục và động viên, mọi chuyện cũng đã đâu vào đó”-Chủ tịch xã tiếp lời.
 

Người dân Ia Phang tích cực cùng nhau làm đường nông thôn. Ảnh: Lê Hòa

Quả thực, có đi thực tế tại cơ sở mới thấu nỗi khó khăn của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương lớn này. Hàng trăm ngàn hộ dân, mà trong đó, không phải ai cũng ý thức và đặc biệt là hiểu và chấp nhận hy sinh phần nào đó lợi ích cộng đồng. Vậy nên, có thể nói, mỗi mét đường được hoàn thành, đó là cả công sức hợp lực của cả hệ thống chính trị địa phương, trong đó, giải được bài toán lòng dân, kêu gọi mọi người cùng hợp lực là vấn đề mấu chốt nhất.

Sẽ hoàn thành mục tiêu vào năm 2015

Con đường dẫn vào làng Phung B vốn chỉ dài khoảng hơn 1 km, mùa mưa lầy lội và thậm chí có thời điểm không thể đi nổi nay đã được làm mới cứng hóa. Mùa mưa này, con đường ấy đã không còn “hành” dân. Trưởng thôn Phung B-anh Rơ Lan Blan, cười giòn: “Đường đẹp rồi, từ nay dân không còn bị con đường này hành hạ nữa. Phấn khởi lắm!”. Con đường ấy, niềm vui ấy được bắt đầu từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để có những niềm vui trong lòng người dân khi thoát khỏi cảnh khó khăn khi đi lại trên những con đường miền cao nguyên đất đỏ ấy-ngoài từ phía Nhà nước, điểm quan trọng là địa phương đã tìm được tiếng nói chung, kêu gọi sự vào cuộc của mỗi người dân. “Những người không có tiền đóng góp cho việc làm đường thì họ góp công. Họ đa phần là bà con người địa phương. Để làm đường vào các thôn Chư Pố 1, Chư Pố 2, hàng chục ngày, bà con kéo nhau mang theo cơm, gạo, mắm muối… ra công trường để làm và nấu ăn luôn cho tiện. Không những thế, nhà nào có công nông, máy móc gì có thể sử dụng được cho việc làm đường đều đem ra cho mượn. Làm đường vất vả là thế nhưng ai cũng lao động rất hăng say và nhiệt tình!”-Chủ tịch xã Trần Văn Sơn, chia sẻ kinh nghiệm.
 

Một con đường đẹp sẽ được hoàn thành trong tương lai không xa... Ảnh: Lê Hòa

Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, riêng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Ia Phang đã kêu gọi nhân dân đóng góp gần 950 triệu đồng tiền mặt và gần 9.300 ngày công; hiến 32.100 m2 đất mở rộng đường giao thông nông thôn… Ngoài việc làm đường, xã còn xây dựng được 1 trường Tiểu học với 8 phòng học tầng hóa, xây dựng và đầu tư trang-thiết bị cho 1 nhà văn hóa trung tâm cụm xã, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 1 trạm truyền thanh và 1 trạm y tế xã. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình chăn nuôi với tổng số 140 con bò sinh sản, hơn 5.570 kg giống lúa Đông Xuân, gần 2.340 kg bắp và gần 18 tấn phân bón các loại…

“Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu làm sao để đến năm 2015, xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới theo đúng tinh thần và mục tiêu đã đề ra. Cái khó hiện nay là vốn đầu tư rót về đang rất hạn chế, trong khi ngoài nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân thì việc kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn xã là rất khó khăn”-ông Trần Văn Sơn, nhấn mạnh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm