Báo xuân

Khoai mật Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những vạt dã quỳ uốn quanh chân núi bắt đầu tàn, cũng là lúc người dân ở xã Chư Đăng Ya (Chư Pah) vào mùa thu hoạch khoai mật. Chúng tôi đã chờ thời điểm này từ lâu, khi tình cờ phát hiện những luống khoai được trồng thẳng đều tăm tắp như dựng bên sườn ngọn núi lửa đã tắt Chư Đăng Ya.

Không chỉ có giống khoai mật, trên những thửa đất bazan tơi xốp ở ngọn núi lửa đã ngủ yên từ hàng triệu năm Chư Đăng Ya, người ta còn trồng bí ngô, dong riềng, củ mì, bắp… Rất dễ nhận ra Chư Đăng Ya bởi sự khác biệt hẳn những ngọn núi xung quanh. Núi có hình như một chiếc bát úp và người nông dân trồng trọt trên độ nghiêng ấy của sườn núi. Dã quỳ được trồng thành hàng để chia ranh giới giữa lô đất này với lô đất khác.
 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhìn từ xa, cả ngọn núi trông như một tấm áo có vô số mảnh vá nối với nhau bởi những đường chỉ vàng sặc sỡ. Vào khoảng cuối mùa mưa, khi các loại cây trồng đang độ xanh tươi viên mãn, Chư Đăng Ya như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ dễ khiến người ta liên tưởng đến kỳ quan ruộng bậc thang ở Tây Bắc.

Già làng Ya Ri năm nay đã ngoài 80. Ông nói từ khi sinh ra đã thấy ông bà trồng trọt trên ngọn núi này. Có điều lạ là đất ở đây rất tốt, hầu như không phải bón phân hay tưới nước, nhưng cây cối vẫn tốt tươi, mùa vụ nào cũng bội thu.

Cuối năm, là thời điểm nông dân thu hoạch khoai lang-cây trồng cuối cùng trong mùa vụ, sau đó cho đất nghỉ ngơi. Qua mùa Xuân, họ lại tiếp tục một mùa vụ mới. Khắp ngọn núi chỉ còn lại những luống khoai chạy thẳng tắp như trò chơi xếp hình.

Đất trên Chư Đăng Ya rất tơi xốp. Chỉ cần đưa tay khơi nhẹ lớp đất đỏ đã lộ ra những củ khoai rất to nằm xếp lớp. Giống khoai mật Lệ Chí được trồng trên đất bazan ở Chư Đăng Ya cho năng suất cao gấp đôi so với những vùng khác. Ông Hoàng Vũ-người có thâm niên trên 25 năm mua khoai ở khắp các vùng trong tỉnh cho biết: “Khoai ở đây luôn đạt năng suất 1 tấn trên 1 sào đất, trong khi ở các vùng khác chỉ đạt khoảng 4-5 tạ một sào. Giống khoai mật này xuất phát từ vùng Lệ Chí của xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) nên người ta gọi là khoai mật Lệ Chí. Nó đặc biệt hợp với vùng đất Chư Đăng Ya. Chỉ trồng ở đây, củ khoai mới to đều, có vị ngon ngọt đặc biệt, đạt yêu cầu nhất”.

Ông Hoàng Vũ so sánh: “Củ khoai Lệ Cần chỉ ăn lúc tươi mới ngon. Củ khoai mật Lệ Chí thì ngược lại, để càng lâu càng ngon. Khoai sẽ tiết mật vàng sánh như mật ong, ruột vàng ươm như lòng đỏ trứng gà, đặc biệt là rất dẻo. Bạn hàng của tôi ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế thường đặt hàng số lượng lớn để làm mứt, món khoai dẻo, nấu ca ri…”.
 

Củ khoai mật trồng ở Chư Đăng Ya được đưa đi khắp cả nước. Ảnh: H.N
Củ khoai mật trồng ở Chư Đăng Ya được đưa đi khắp cả nước. Ảnh: H.N

Ông Hoàng Vũ đã có gần 15 năm gắn bó với vùng Chư Đăng Ya. Ông nói, sản vật “Lệ Cần khoai” ngon nức tiếng, rất nổi tiếng ở Gia Lai nhưng khoai mật Lệ Chí lại nổi tiếng trong cả nước. Ông tiết lộ: “Tôi nghe một số bạn hàng lớn nói đã đưa củ khoai ở Chư Đăng Ya đi một số nước trên thế giới, nhưng không biết chính xác nước nào. Họ chế biến thành phẩm rồi quay ngược lại Việt Nam. Nếu quả đúng là họ đưa củ khoai của người nông dân Jrai ra thế giới thì cũng nên xây dựng thương hiệu cho vùng khoai mật Chư Đăng Ya”.

Người ta nói đất ở Chư Đăng Ya màu mỡ bởi được phong hóa từ những dòng nham thạch phun trào từ miệng núi lửa từ hàng triệu năm trước. Bây giờ trở thành một ân sủng trời đất ban tặng cho người dân nơi đây. Nhưng chính con người mới làm nên sự kỳ diệu khi hồi sinh sự sống trên địa thế khắc nghiệt của thiên tạo, biến nó thành một kỳ quan. Và đằng sau sự sống tươi tốt trù mật ấy chính là bài ca lao động tuyệt vời của con người.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm