Nhờ vào cây atisô đỏ, Hiền đã đạt được ước mơ khi mở ra hướng đi mới về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở vùng quê Phong An.
Chị Hiền là chủ cơ sở sản xuất và chế biến Hichagol - Ảnh: ĐỨC TÀI |
Đặt niềm tin vào cây atisô đỏ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (25 tuổi, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến đổi hơn 14ha đất trồng đậu, sắn có năng suất thấp thành ruộng hoa có hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.
Món quà của chồng
Tốt nghiệp THPT, chị Hiền theo học tại Trường đại học Kinh tế - Đại Học Huế. Thời gian này, mỗi lần về nhà chị lại thấy cảnh cây đậu, cây sắn của người dân thường xuyên chết, năng suất không cao, cái nghèo cứ mãi bám víu lấy người dân quê Phong An.
"Phải tìm cách nào đó giúp người dân thay đổi", Hiền nghĩ.
Trong thời gian học đại học, Hiền quen anh Lê Văn Chánh, chồng chị bây giờ. Lúc đó, anh đang là hướng dẫn viên du lịch, thường dẫn các đoàn khách đi tham quan đó đây. Trong một lần trở về sau một chuyến công tác ở miền Bắc, anh Chánh có tặng chị 15 hạt giống cây atisô đỏ để trồng làm cảnh.
"Anh bảo hoa cây này rất đẹp, còn có thể chữa một số bệnh. Mình trồng thử xem cây có sống không, hoa có đẹp như chồng mình nói và thấy trên mạng xã hội không", chị Hiền kể.
Sau 3 tháng theo dõi cây phát triển, chị nhận ra loài cây atisô đỏ rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Quy trình chăm sóc cũng rất đơn giản, không tưới nước, không có sử dụng phân bón. Cây lại cho ra nhiều hoa, cánh có màu tươi, cánh bập, thon không giống cây ở miền Bắc như chị được thấy trên mạng.
Chị cùng gia đình quyết định nhân giống thay thế 1 sào đậu để trồng cây atisô đỏ.
Sau hơn hai năm, đến giờ chị đã mở rộng diện tích lên gần 4ha. Trong đó, chị dùng 1ha để nhân giống, khu vực còn lại để thu hoạch hoa rồi đưa đi chế biến, bán ra thị trường. "Mình phải tư vấn kết hợp với bán hàng online để khách hàng quen với sản phẩm, dần dần mới ổn định được thị trường", chị Hiền nói.
Chị Hiền thu hoạch hoa atisô đỏ - Ảnh: ĐỨC TÀI |
Giúp quê hương thay đổi
Sau khi vườn cây atisô phát triển ổn định, chị nghĩ đến việc mở rộng quy mô bằng cách đưa giống cây atisô đến từ nhà, hướng dẫn cách trồng, tư vấn và ký kết hợp đồng thu mua lại sản phẩm cho người dân.
"Ban đầu gặp nhiều khó khăn, khi nhiều người chưa biết đến giống cây này. Một phần thì sợ trồng lên rồi không có nguồn ra ổn định, rồi lại mất công chăm sóc", chị Hiền nói.
Bà Lê Thị Thẻo (53 tuổi, thôn Phường Hóp) là người đầu tiên nhận cây giống về trồng. Bà chia sẻ, lúc đầu, mới nghe cũng không dám lấy về trồng vì lần đầu tiên biết giống cây này, không biết cách trồng như thế nào. Bà nhận lời do thu nhập từ cây sắn, cây đậu quá thấp.
"Cây này vừa dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng lại phát triển rất tốt. Hiền lại ký hợp đồng đảm bảo đầu ra của sản phẩm, giúp những người dân như chúng tôi yên tâm sản xuất. Giờ đây, gia đình tôi đã trồng thay thế thêm 1,5ha đất trồng sắn, đậu sang trồng cây atisô đỏ", bà Thẻo kể.
Những sản phẩm chế biến từ cây atiso đỏ - Ảnh: ĐỨC TÀI |
Hiện tại, chị Hiền đã đưa cây atisô đỏ đến với 5 xã của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích 10ha. Chị cũng dành 1ha để trồng cây giống. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chị Hiền tiếp tục mở cơ sở sản xuất và chế biến Hichagol với 5 sản phẩm gồm rượu, mứt, nước cốt, nước cốt kèo hoa, trà hoa.
Với giá bán cho từ sản phẩm dao động từ 250.000 đến 500.00 đồng, mỗi tháng bình quân cơ sở của chị thu khoảng 45 triệu đồng.
Cơ sở sản xuất của chị tạo ra công ăn việc làm cho 20 người dân thôn Phường Hóp với thu nhập là 250.000 đồng/ngày. Đây cũng là địa điểm thực tập của các sinh viên, thầy cô của Trường đại học Nông Lâm - Đại Học Huế.
"Hiện tại huyện cũng đang có kế hoạch, đánh giá để nhân rộng, chuyển đổi hướng cây trồng này thay thế cây đậu, sắn ở một số địa điểm trên địa bàn", ông Trịnh Đức Hùng - chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết.
ĐỨC TÀI - MINH NHÂN (TTO)