TN - Đất & Người

Khôi phục sản xuất sau hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mưa đã dày hơn, nhiều hơn, chứng tỏ mùa mưa Tây Nguyên đã về, tình trạng khô hạn kể như đã kết thúc. Tuy nhiên, đợt hạn hán lịch sử vừa qua gây ra rất nhiều thiệt hại cả về sản xuất và đời sống người dân.

Ở tỉnh ta, hạn hán đã làm 11.352 ha cây trồng ảnh hưởng, cùng với trên 2 ngàn hộ dân các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah bị thiếu nước sinh hoạt. Riêng với huyện Chư Pưh, hạn hán làm thiệt hại 1.043 ha/1.412 ha cây trồng. Trong đó, lúa nước 448 ha, hồ tiêu 348 ha, cà phê 248 ha, cao su 20 ha. Ngoài ra, hạn hán còn làm 2.149 hộ, 26 trường học thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

 

Ảnh minh họa

“Sau khi có mưa thì nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp lúc này là khôi phục lại sản xuất và tiếp tục ổn định đời sống của người dân”-trực tiếp thị sát nắm bắt tình hình tại xã Ia Blứ và Ia Phang (huyện Chư Pưh)-nơi bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, cùng với việc kiểm kê đánh giá thiệt hại làm cơ sở hỗ trợ thì lúc này, chính quyền các địa phương phải nhanh chóng giúp bà con khôi phục sản xuất và đời sống từ gạo ăn, nước uống đến cây giống, tư vấn cách chăm sóc cây trồng bị hạn, bị sâu bệnh hại, sử dụng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất… Mục đích trên hết là nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, khắc phục đến mức thấp nhất thiệt hại.

“Tới đây, huyện tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa để bù đắp thiệt hại của vụ Đông Xuân vừa qua. Tiếp tục đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất đợt 2 cho các địa phương bị thiệt hại và ảnh hưởng với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh Nguyễn Văn Khanh cho biết. Cũng theo ông Khanh, hộ gia đình có diện tích cây công nghiệp thiệt hại (cà phê, hồ tiêu) thì được hỗ trợ bằng tiền, theo quy định là 4 triệu đồng/ ha và 2 triệu đồng/ha cây trồng ngắn ngày. Cùng lúc, huyện sẽ rà soát tình hình chuẩn bị nguồn cây giống, vật tư, công tác phân phối để khuyến cáo nhân dân sử dụng sản xuất đảm bảo chất lượng, hiệu quả; vận động nhân dân trồng bắp lấy thân, vì đầu ra của cây trồng này đang rất thuận lợi, do có Công ty cổ phần Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ tiêu thụ.

Trên thực tế lúc này hàng loạt vấn đề đặt ra đối với chính quyền và nhân dân vùng bị hạn. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cảnh báo: Tới đây, trên cây cà phê, rệp sáp gây hại cục bộ, rệp vảy xanh, vảy nâu tiếp tục gây hại có thể tăng vào tháng 6, 7. Bệnh gỉ sắt xuất hiện mạnh từ tháng 8 đến tháng 11, 12. Bệnh nấm hồng từ tháng 8 đến tháng 10 khi có mưa nhiều và tập trung. Mọt đục quả giai đoạn quả chắc xanh đến chín. Bệnh thối cuống rụng quả xuất hiện từ tháng 6. Bệnh ve sầu, bệnh thối nứt thân gây hại cục bộ, nhất là những vườn không làm cành thông thoáng. Còn trên cây tiêu đó là bệnh tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá thối rễ tơ (héo chết chậm), bệnh thối gốc, thối thân (héo chết nhanh) gây hại mạnh thời kỳ giữa cuối vụ và sau những trận mưa kéo dài. Bệnh rệp sáp gốc, thân cành cây sẽ gây hại mạnh cuối mùa mưa cho đến đầu mùa khô năm sau. Bọ xít lưới xuất hiện gây hại từ đầu vụ và xuất hiện cục bộ ở một số nơi…

Trong hoàn cảnh này, hội thảo tìm biện pháp khôi phục sản xuất sau hạn diễn ra tại huyện Chư Pưh trong những ngày cuối tháng 5 tin tưởng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiệm vụ của hội thảo thực ra cũng là điều Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, rằng Gia Lai cần rà soát xây dựng lại quy hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp. Cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu tư lớn như cà phê, hồ tiêu phải nghiên cứu kỹ điều kiện đất đai thổ nhưỡng và chủ động nước tưới. Bộ trưởng rất tâm đắc khi nói đến công nghệ tưới tiết kiệm và chính sách hỗ trợ vốn vay như là giải pháp của vấn đề, thực hiện theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh cho vay tái canh cây cà phê đã được triển khai trước đây.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm