Sau khi tham gia giết mổ lợn liên hoan đầu năm, dù không ăn tiết canh, nhưng ông Vũ Đức B., vẫn phải nhập viện do sốt cao, sốc nhiễm khuẩn do nhiễm liên cầu lợn.
Các ban hoại tử da do nhiễm liên cầu lợn |
Ngày 5-3, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, chỉ trong hơn 8 tuần đầu năm, bệnh viện này đã tiếp nhận 9 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Rất may không có trường hợp nào tử vong, nhưng thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị mỗi ca bệnh rất tốn kém.
Với bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn gây viêm màng não mủ, có thể phải nằm viện ít nhất một tháng và khi bị nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn thì phải điều trị đến 2 tháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Qua khai thác tiền sử, chủ yếu bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có liên quan đến ăn tiết canh. Bác sĩ Vũ Minh Điền, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay: “Cùng một gia đình, cùng ăn trong một mâm cơm, cùng nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, nhưng không phải ai cũng bị bệnh. Việc này là do bản thân con vi khuẩn, độc lực của nó có mạnh không và cùng với đó là sức đề kháng của mỗi người có sự khác nhau. Người nào có sức đề kháng tốt thì cùng nhiễm một lượng vi khuẩn nhưng có thể không bị bệnh. Nhưng với những người có sức đề kháng kém như bị xơ gan, tiểu đường, nghiện rượu hoặc bị suy giảm miễn dịch mắc phải, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, thì dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào vào máu và gây bệnh. Ngoài ra, số lượng vi khuẩn vào cơ thể khác nhau cũng có nguy cơ mắc bệnh khác nhau".
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý, có trường hợp nhiễm vi khuẩn liên cầu trong quá trình giết mổ lợn, như trường hợp của ông Vũ Đức B., (ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới).
Con rể của ông Vũ Đức B., cho biết ông B., không ăn tiết canh, chỉ giúp mổ lợn cho nhà hàng xóm có đám cưới. Nhưng tay của ông trước đó có nhiều vết xước do ông làm xây dựng bị dị ứng xi măng, ngứa, gãi, chắc đấy là lý do ông bị nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ Vũ Minh Điền lưu ý thêm, nhiều lợn mang vi khuẩn liên cầu nhưng lại không có biểu hiện bệnh, do đó vẫn là nguồn lây bệnh cho người.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 14 người tử vong. Bệnh có diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.
Liên cầu khuẩn lợn có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…); hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…). Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh.
Các chuyên gia cho hay, vi khuẩn này sống khá “khỏe” bên ngoài môi trường. Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân. Để phòng nhiễm bệnh, người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, khi giết mổ, chế biến thịt lợn.
Nam Sơn (thanhnien)