Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Không đánh đổi môi trường để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dư luận đang quan tâm đặc biệt đến vụ cấp phép nhấn chìm bùn cát nạo vét trong quá trình thi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận xuống biển vì cho rằng quá trình khảo sát, thẩm định môi trường đáy biển chưa được thực hiện nghiêm túc, thậm chí là gian dối để qua mặt các cơ quan chức năng. Đây không phải lần đầu, những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường không đúng thực tế kiểu này được thông qua. Điều đó cho thấy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan cấp phép.

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhấn chìm gần 1 triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, đá phong hóa từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển là kết quả sau rất nhiều thủ tục như lập Hội đồng Khoa học để khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi dự án vấp phải sự phản ứng của dư luận vì cho rằng có khuất tất dẫn đến những kết quả, những thông số không đúng thực tế về đáy biển, mức độ tác động đến môi trường và hệ sinh thái thì chứng tỏ quy trình cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong trường hợp này phải xem xét lại.

 

Ảnh minh họa

Một dự án xử lý môi trường được cấp phép dựa trên những báo cáo không thật, sẽ dẫn đến những hệ lụy cho môi trường mà người cấp phép không thể lường hết được. Đó chính là điều mà người dân và các nhà khoa học có uy tín đang lo ngại. Nếu như Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép dìm chất thải xuống biển, vì cho rằng đáy biển nơi đó chỉ là bùn và cát thì những hình ảnh do báo chí ghi lại cho thấy đó là rạn san hô, là cỏ biển-nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy sản, là kho dự trữ của tài nguyên biển.

Một dự án xử lý chất thải được thẩm định sơ sài, thiếu tính phản biện, thậm chí gian dối, qua mặt cơ quan chức năng để được cấp phép như vậy, liệu có đáng được người dân và các nhà khoa học tin là nó sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường biển và cuộc sống của người dân.

Ai đã gian dối? Ai đã tiếp tay cho những bản báo cáo, thẩm định môi trường kiểu này lọt lưới? Đã có thống kê nào cho biết có bao nhiêu bản báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ sài, râu ông nọ cắm cằm bà kia được thực hiện kiểu như dự án Thủy điện Đồng Nai 6A mấy năm trước và bây giờ là Vĩnh Tân 1, qua mặt cơ quan chức năng!

Những tắc trách trong quá trình lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhất là khi không ít bản báo cáo như vậy được chính doanh nghiệp bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Liệu có gì đảm bảo đơn vị tư vấn không chịu chi phối để báo cáo có lợi cho doanh nghiệp? Đó là chưa kể tình trạng làm qua loa đại khái, cóp nhặt chỗ nọ một tí, chỗ kia một đoạn cho đủ hồ sơ, nhất là ở các dự án thủy điện.

Không ai phủ nhận vai trò của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là ở các tỉnh giàu tiềm năng thủy điện như ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của một số dự án thủy điện trên địa bàn tới môi trường, sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng không phải nhỏ.

Theo ước tính, để làm 1 MW điện phải mất đến 16 ha rừng. Vậy, với hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã mất đi bao nhiêu ha rừng? Có bao nhiêu diện tích được trồng bù rừng theo cam kết của doanh nghiệp? Phía sau thủy điện là những dòng sông chết, là ô nhiễm nguồn nước, là tăng khả năng xói lở, bồi đắp hạ lưu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của người dân vùng hạ du. Những hệ lụy từ việc ngăn dòng, xả nước bất thường của Thủy điện An Khê-Ka Nak gây ra cho các địa phương phía sau nhà máy này như Kbang, Ayun Pa, Krông Pa… thời gian qua cho thấy những tác động đối với môi trường trong quá trình phát triển là điều không thể coi thường.

Giấy phép là công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước trong quá trình phát triển nhưng nó lại như con dao hai lưỡi. Nếu làm sơ sài thì giấy phép trở thành “lá bùa” cho những người làm ăn không đàng hoàng, xem thường lợi ích của cộng đồng. Chính phủ đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi môi trường bằng mọi giá để lấy kinh tế. Quan điểm phát triển tiến bộ ấy chỉ có thể trở thành hiện thực khi mỗi cá nhân, đơn vị được giao giám sát, thẩm định các dự án về môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình!

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm