Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 31-3, tại TP. Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa cùng 27 cơ quan báo chí đã hội thảo chủ đề: “Báo Đảng địa phương với công tác tuyên truyền thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường”. Ngoài 19 báo Đảng trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đơn vị chủ nhà Thanh Hóa còn mời thêm các báo bạn trong nước như: Đồng Nai, Hải Phòng, Ninh Bình...

Mấy chục năm qua, đất nước ta mở cửa, hội nhập với thế giới. Đó là xu hướng tất yếu để người dân giàu có, xã hội phát triển. Đến nay, chỉ còn một vài nước hoặc vùng lãnh thổ, vì nhiều lý do, chưa thể hòa mình cùng dòng chảy thời đại, còn hầu hết các nước trên thế giới đều xem hội nhập, thu hút đầu tư là động lực để đi lên. Giàu có như nước Mỹ cũng cần thu hút đầu tư.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tư từ bên ngoài, đầu tư vào nông-lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... để phát triển là hết sức cần thiết. Không chỉ Gia Lai mà tất cả các tỉnh thành trong nước đều đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để các nhà đầu tư lớn quan tâm, lựa chọn. “Những quả đấm thép” của nền kinh tế bao giờ cũng tạo sức bật tác động vào môi trường xã hội xung quanh, làm thay đổi nhanh chóng đời sống cư dân. Tuy nhiên, đại dự án bao giờ cũng kéo theo tác động không nhỏ đến môi trường.

Gia Lai đã có quá nhiều bài học trong thu hút đầu tư gắn với môi trường. Nổi bật nhất phải kể đến thủy điện An Khê-Ka Nak chuyển dòng, khiến toàn bộ hạ lưu sông Ba sau thủy điện gặp rất nhiều rắc rối. Việc thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng sang trồng cao su chục năm qua cũng đã gây nên nhiều hệ lụy với vấn đề môi trường sinh thái. Những tác động của các dự án này vào môi trường tự nhiên, môi trường xã hội hậu quả còn lâu dài, khó khắc phục. Để giải quyết rốt ráo được nó, thời gian không thể tính bằng năm mà phải là nhiều chục năm.

Nhìn rộng ra các tỉnh trong khu vực, ra các nước trên thế giới, chúng ta có quá nhiều bài học giữa thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đảm bảo cho sự phát triển. Các nhà đầu tư, hầu hết có cùng mục tiêu là tạo ra lợi nhuận càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Muốn lợi nhuận cao phải cắt giảm chi phí, mà một trong những chi phí tốn kém, chi phí thường xuyên là khắc phục hậu quả môi trường, bao gồm cả môi trường sinh thái và môi trường văn hóa.

Từ bài học của các nước, các địa phương đi trước và thực tế trải nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế, vấn đề đặt ra cho Gia Lai là làm thế nào để nhanh chóng tăng trưởng kinh tế mà vẫn gìn giữ môi trường sinh thái, ổn định xã hội? Lựa chọn ngành nghề đầu tư, quy hoạch địa điểm đầu tư phù hợp là bài toán để các địa phương hoạch định đường hướng phát triển lâu dài. Bởi, sự cố môi trường để lại, hậu quả khắc phục, giải quyết được nó thời gian thường tính bằng chục năm, trăm năm, bằng một hoặc nhiều thế hệ.

Bên cạnh hậu quả về môi trường tự nhiên, một vấn đề mâu thuẫn giữa đầu tư với sự phát triển là hậu quả về môi trường xã hội. Các dự án đầu tư thường gắn với mặt bằng sản xuất kinh doanh. Để có mặt bằng sản xuất kinh doanh buộc phải thu hồi đất của người sử dụng kém hiệu quả, giao lại cho người khác sử dụng hiệu quả, có giá trị hơn. Bồi thường, giải tỏa đền bù ra sao cho phù hợp để người phải dứt khỏi nơi họ đã chôn nhau cắt rốn đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống lâu dài, thấy việc thay đổi là thực sự phát triển, đổi đời. Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều đến bồi thường tổn thất vật chất, chưa chú ý đến những tổn thất trong văn hóa, tình cảm, những tác hại về tinh thần-giá trị vô hình khó đo đếm, những tác hại mà hệ lụy gây ra giải quyết cũng rất tốn kém.

Báo chí với chức năng thông tin của mình từ lâu đã có tác động tốt trong việc điều chỉnh xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái. Rất nhiều bài viết đã giúp ích cho các nhà quản lý hoạch định, xử lý tốt hơn hậu quả mà không ít dự án gây ra, từ lúc nêu ý tưởng, triển khai thực hiện cho đến lúc đi vào hoạt động. Sự khuyến cáo trên báo chí về môi trường, thường được các nhà lãnh đạo quản lý quan tâm, điều chỉnh kịp thời.

Mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ bao giờ cũng được đo đếm bởi nhiều chỉ số: văn minh, giàu có, hạnh phúc... Thực tế trong đời sống xã hội chưa hẳn giàu có đã là hạnh phúc. Sự giàu có là cần thiết, song hạnh phúc của toàn xã hội, của cả cộng đồng mới giữ vai trò quyết định. Thu hút đầu tư để mỗi người dân giàu có, hạnh phúc, để những bất cập xã hội không phát sinh, có lẽ đó là tiêu chí cần hướng tới.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm