(GLO)- Đã từ lâu, nhiều nơi trên thế giới luôn xem cây mì là cây lương thực, thực phẩm chính, đặc biệt ở một số nước châu Phi cây mì là giải pháp hàng đầu để chống suy dinh dưỡng. Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) xếp cây mì đứng thứ tư trong các cây lương thực ở các nước đang phát triển sau lúa gạo, bắp và lúa mì.
Bà con xã Trang, huyện Đak Đoa làm cỏ chăm sóc cây mì. Ảnh: Đức Thụy |
Ở nước ta, cây mì được trồng từ Bắc chí Nam với tổng diện tích hơn 400.000 ha. Trong đó Tây Nguyên có diện tích trồng mì lớn thứ hai cả nước (sau vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, tổng diện tích ước đạt 160.000 ha) với nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên và con người. Ở Gia Lai diện tích trồng mì đã lên đến hơn 50.000 ha tập trung ở các địa phương phía Đông và Đông Nam tỉnh như: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, trong đó huyện Krông Pa chỉ quy hoạch khoảng trên 8.000 ha nhưng hiện đã lên đến hơn 10.000 ha.
Mì không chỉ là cây lương thực cho người mà còn làm thức ăn cho gia súc, do vậy những năm qua diện tích mì trong khu vực phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng về diện tích, năng suất và sản lượng có nhiều biến động, giai đoạn 1995-1999 là +0,36%, giai đoạn 2005-2009 lên đến +12,7% và giai đoạn 1999-2013 lên xấp xỉ 13%. Đặc biệt gần đây các nhà máy chế biến tinh bột xuất khẩu và làm thức ăn gia súc mọc lên trên nhiều địa bàn đã trực tiếp tác động mạnh đến vấn đề mở rộng diện tích trồng mì như đã nêu trên, bên cạnh đó nhu cầu xuất khẩu cũng ngày càng tăng cao. Sản phẩm tinh bột mì và mì lát của nước ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm hơn 90% kim ngạch) và một số thị trường khác như Hàn Quốc (5,5%), Đài Loan (2%). Và khả năng trong tương lai lượng mì xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh hơn. Tại Trung Quốc mặc dù nhu cầu cho chăn nuôi giảm nhưng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tăng mạnh, nước này đã cho xây dựng nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học trên cả nước, cần khoảng 7 triệu tấn nguyên liệu/năm, mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn mì.
Những tín hiệu lạc quan trên đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là vấn đề sản xuất bền vững và công tác bảo vệ môi trường, kể cả việc xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Do vậy chúng ta cần có những định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Một thành tựu khoa học quan trọng là từ khi mì trở thành nguyên liệu sản xuất Ethanol đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển cây mì. Nhiều quốc gia tại châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan thành công trong sản xuất Ethanol từ nguyên liệu mì lát. Hàng loạt nhà máy đã và đang được thiết lập để tạo ra một nguồn năng lượng mới là năng lượng sinh học. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học, đồng thời xác định đây là một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây chính là một tiền đề tốt cho ngành năng lượng sinh học nói chung và cho cây mì nói riêng.
Trở lại với tình hình phát triển cây mì ở Gia Lai, việc mở rộng diện tích trồng mì đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân nhưng cũng ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đất đai, đặc biệt là độ phì của đất bị giảm sút do không tuân thủ quy hoạch và đầu tư đúng quy trình kỹ thuật. Hiện trên địa bàn có 4 nhà máy tinh bột mì đứng chân (Krông Pa, Chư Prông, An Khê, Mang Yang), tổng công suất khoảng 65.000 tấn tinh bột/năm, tương đương 325.000 tấn củ tươi. Sản lượng mì củ tươi của tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy, đồng thời nông dân ở nhiều địa phương xa nhà máy còn chế biến mì lát khô bán cho thương lái cung ứng cho các nhà máy ngoài tỉnh với ước tính của ngành chức năng khoảng 35% sản lượng mì của tỉnh được sơ chế, bán theo hình thức này.
Vào mùa thu hoạch mì. Ảnh: K.N.B |
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Chỉ thị số 1140/CT-BNN-TT chỉ đạo các địa phương hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích trồng mì, đặc biệt cần tuyên truyền, thuyết phục nông dân không trồng mì tự phát trên các khu vực đã quy hoạch cho cây trồng khác, hoặc các ruộng mì có độ dốc lớn. Chỉ thị cũng chỉ đạo vấn đề chế biến mì, ưu tiên phân vùng nguyên liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến chế biến các sản phẩm có giá trị cao như: tinh bột, cồn, Ethanol, thức ăn gia súc… Trước đó, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng đã có Công văn số 997/TT-CLT hướng dẫn các địa phương quy hoạch đất trồng mì nguyên liệu, đầu tư thâm canh cao, trồng xen và luân canh cây trồng khác với mì, áp dụng biện pháp vun đất, che phủ đất, bón phân để tăng năng suất và bảo đảm độ phì của đất…
Vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp các địa phương phải tham mưu cho chính quyền sở tại kiên quyết không phê duyệt các đề án nâng cấp dây chuyền chế biến mì, không đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến mì trên địa bàn. Có như vậy thì mới bảo đảm được yêu cầu phát triển mì bền vững theo hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu, xóa được nhận thức lệch lạc một thời “cây mì là cây xóa đói, giảm nghèo”.
Thanh Phong