GLO)- Thời gian gần đây tại xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) rộ lên thông tin một loại cây rừng được coi là “thần dược”, có thể trị nhiều bệnh nan y, nhất là bệnh xơ gan cổ trướng. Tuy nhiên mới đây sở y tế tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc khảo sát và khuyến cáo người dân không nên dùng loại cây thuốc này.
Từ câu chuyện “thần dược” cứu người!
Nguồn gốc cây “thần dược” xuất phát từ xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa từ câu chuyện thoát chết ngoạn mục của một người dân ở đây do dùng loại cây thuốc lạ. Sau khi môt vài tờ báo đăng tải về loại cây này, nhiều người ở Miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí ở TP. HCM đã tấp nập về Khánh Hòa để tìm mua cây thuốc.
Cây "thần dược" thật giả lẫn lộn làm người mua không thể phân biệt được. Ảnh: Xuân Nha |
Theo đó, ông Lê Hăng ở Ninh Vân cho biết mình bị xơ gan cố trướng giai đoạn cuối do uống quá nhiều rượu bia, ông uống một loại cây thuốc, bệnh đã giảm hẵn và trở lại khỏe mạnh như thường. Theo lời ông Hăng kể thì ông là một người hay gặp gỡ bạn bè nên thường uống nhiều rượu bia. Cuối năm 2010, cơ thể ông bỗng dưng biến dạng, bụng trướng to, ăn uống kém, chân tay sủi vẩy và lớn bất thường, sắc mặt vàng vọt, thường xuyên đau bụng và khó khăn khi đại tiện. Ông Hăng tới Phòng khám Đa khoa Phúc Lộc ở đường Trần Quý Cáp (TP. Nha Trang), được bác sĩ chẩn đoán xơ gan - bụng đa ổ dịch và bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Tuy vẫn kê toa thuốc, nhưng bác sĩ ở đây cũng lắc đầu và khuyên vợ tôi về “chuẩn bị tinh thần”.
Về nhà, người thân của ông Hăng đã chạy mua nhiều loại thuốc đủ Đông, Tây y nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Tình cờ ông được một người bạn giới thiệu uống một loại rễ cây thế là bệnh thuyên giảm hẳn và cơ thể trở lại bình thường. Câu chuyện được loan truyền, thế là rất nhiều người bệnh tứ phương đã đổ về nhà ông Hăng tìm hỏi mua cây thần dược để chữa “bách bệnh”. Không chỉ những người bị xơ gan tìm mua thuốc mà rất nhiều người bị các loại bệnh khác như ung thư, tiểu đường, phong thấp khớp, thậm chí cả bệnh béo phì, rối loạn cương dương…
Kể từ đó ông Hăng cùng nhiều người địa phương trở thành thầy lang bốc thuốc đoán bệnh. Cây thuốc được bán đắt như tôm tươi khiến rất nhiều người ở Ninh Vân và những xã lân cận đổ về núi Hòn Hèo để tìm đào cây thuốc. Từ đó nhiều “thầy lang” trở nên khá giả bởi thân, rễ cây “thần dược” được bán với giá 70 - 100 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày họ thu nhập đến vài triệu đồng. Nhà nhà dùng cây “thần dược” người người đua nhau đi đào cây “thần dược” nên loại cây đã trở nên “tuyệt chủng” ở trên địa bàn núi Hòn Hèo huyện Ninh Hòa. Cây thuốc hết, trong khi người cần mua thì nhiều nên rất nhiều người đã trộn những loại cây khác giả cây “thần dược” để bán trục lợi.
Sở Y Tế khuyến cáo không nên dùng
Theo tìm hiểu của phóng viên GLO thì đặc điểm của cây “thần dược” là một loài cây gỗ nhỏ, dạng dây trườn, vỏ màu nâu vàng, thân dài trên 4 m, đường kính khoảng 10 cm. Thân và cành có nhiều gai nhọn, dài đến 7 - 8 cm. Lá đơn, mọc cách hay chụm ba, phiến dày, mép cong xuống dưới, có hình thuôn hẹp, dài 8 - 12 cm, rộng 1 - 3 cm. Lá mọc ở gần gốc có phiến kích thước lớn hơn so với lá ở đoạn trên thân và cành, đầu lá tù hoặc hơi lõm. Phiến lá có mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, bên trong có nhiều điểm dầu. Cuống lá ngắn 4 - 6 mm. Gỗ hơi cứng có màu vàng, đối với phần rễ có màu vàng đậm hơn. Các bộ phận của cây có tinh dầu, nhiều nhất ở rễ có mùi thơm dịu rất đặc trưng. Loại cây này phân bố trên núi Hòn Hèo ở Ninh Hòa, Khánh Hòa là vùng núi đá, cao độ khoảng trên 200 m, có khí hậu khô cằn, lớp đất mặt mỏng.
Cây “thần dược” đã được phơi khô xắt lát bán cho người bệnh. Ảnh: Xuân Nha |
Theo ông Lê Hữu Thọ, phó GĐ sở Y tế Khánh Hòa, sau khi tình trạng tìm đào và tiêu thụ loại cây này lan tràn thì sở Y tế Khánh Hòa đã có công văn gửi Vụ Y học Cổ truyền và Viện Dược liệu Trung ương để thông tin về loại cây “thần dược” nói trên. Bên cạnh đó sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập đoàn khảo sát gồm 9 người để khảo sát thực tế về loại cây này trên địa bàn xã Ninh Vân. Đoàn khảo sát do Phó GĐ sở Y tế Khánh Hòa làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia nghiên cứu khoa học trong ngành cùng tham gia.
Qua chuyến khảo sát, đoàn đã đưa ra nhận định ban đầu “chưa có cơ sở đầy đủ để cho rằng cây thuốc này có thể chữa bệnh xơ gan”. Phân tích từ ảnh của sở Y tế Khánh hòa gửi, Viện Dược liệu Trung ương xác định tên cây dược liệu này theo tên Việt Nam là Xáo Tam Phân, tên khoa học là Paramignyatrimera (Oliv.) Guillaum thuộc họ Cam. Sau đó sở Y tế Khánh Hòa đã có công văn gửi Viện Dược liệu Trung ương để xin thông tin về kết quả nghiên cứu cây Xáo Tam Phân nhưng Viện vẫn chưa có trả lời.
Từ những khảo sát, phân tích như vậy sở Y tế Khánh Hòa khuyến cáo người dân không nên dùng loại cây “thần dược” này khi chưa có công bố về giá trị chữa bệnh của cây để tránh tình trạng bị ngộ độc “tiền mất tật mang”. Đồng thời sở Y tế cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành có biện pháp ngăn chặn người dân khai thác thu hái loại cây này bừa bãi để bảo vệ tránh làm mất nguồn gen của loại cây này.
Xuân Nha