(GLO)- Những năm gần đây, các địa phương rất chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là các trường vùng nông thôn và miền núi. Nhiều tỉnh, thành đã nỗ lực xây dựng trường học theo hướng kiên cố, đồng thời dành một quỹ đất ưu tiên để đảm bảo quy chuẩn diện tích/học sinh, chú trọng đến các công trình phụ, sân chơi, bãi tập và các phòng học bộ môn.
Các địa phương đang phấn đấu đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó đặc biệt chú ý đến những yêu cầu về cơ sở vật chất trường học. (ảnh nguồn internet) |
Hiện nay, các địa phương đang phấn đấu đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó đặc biệt chú ý đến những yêu cầu về cơ sở vật chất trường học. Tuy nhiên, một số nơi, nhất là trung tâm các đô thị trước đây, do khi quy hoạch có nơi chưa chú trọng đến việc xây dựng công trình công cộng đạt chuẩn (trong đó có trường học) nên cơ sở vật chất trường học đến nay đã lạc hậu, xuống cấp nhưng không thể mở rộng theo nhu cầu. Vì vậy, nhiều ngôi trường đang trở nên ngày càng chật chội, thiếu các công trình phụ, thiếu không gian sinh hoạt cho thầy cô và học sinh.
Theo yêu cầu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp đến, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đúng chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với việc thay sách, đổi mới chương trình và chuẩn trình độ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất trường học phải đồng bộ thì mới có thể đáp ứng các nhiệm vụ giáo dục.
Hiện nay có tình trạng một số nơi do kinh phí thiếu hụt nên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất không đồng bộ, chỉ chú trọng đến việc có đủ phòng học cho học sinh, trong khi đó, phòng thư viện, phòng thí nghiệm thực hành chuyên môn, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập... đành “khất nợ” chờ đến khi nào xin được nguồn tài chính bổ sung mới xây dựng tiếp. Điều đó khiến nhiều trường liên tục bị thiếu hụt cơ sở vật chất và thiết bị dạy học mà việc hoàn thiện theo yêu cầu dường như vẫn ngoài tầm tay. Vì mỗi năm, các trường học đều phải tính toán đến việc tu bổ, mua sắm mới mà thực tế kinh phí Nhà nước đầu tư cho các đơn vị công lập không đáp ứng đủ theo yêu cầu. Còn việc huy động kinh phí hỗ trợ ngoài ngân sách thì không phải trường học nào cũng có thể thực hiện được và làm đúng theo quy định.
Đặc biệt, đối với các tỉnh miền núi nói chung và Gia Lai nói riêng, việc xây dựng cơ sở vật chất ở những vùng khó khăn, vùng biên giới có những đặc thù về địa hình, khí hậu và các mô hình dạy và học khác nhau nên không thể áp dụng theo kiểu xây dựng đại trà. Ví dụ, nhiều vùng dân tộc thiểu số hiện nay có các trường ghép nhiều cấp học hay trường có bán trú thì việc xây dựng cơ sở vật chất cần tính đến nhiều yếu tố phụ nhưng hết sức cần thiết cho các em, như: nơi vui chơi, sinh hoạt theo lứa tuổi, nơi ăn, ở của học sinh, khu vệ sinh…
Ngân sách nhà nước hàng năm đầu tư cho giáo dục là rất lớn, trong đó phần nhiều dành cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy và học. Tuy nhiên, nhiều trường học còn thiếu ý thức bảo quản, gây thất thoát, lãng phí hoặc mua sắm không đồng bộ các thiết bị nên không phát huy hiệu quả trong dạy và học. Bên cạnh đó, việc kiểm soát khâu đầu tư mới từ thiết kế công trình đến thi công của các đơn vị trường học cần được giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí hay xảy ra tham nhũng từ các ban quản lý xây dựng các công trình công cộng này.
Bùi Quang Vinh