Phần lớn các hộ này đều là những gia đình khó khăn, thiếu đất trồng trọt, nguồn thu chủ yếu từ việc buôn bán trước cổng Biển Hồ từ nhiều năm nay. Đơn cử là gia đình bà Trần Thị Hồng (51 tuổi), gia cảnh rất nghèo khó. Đứa con gái thứ hai của bà bị ung thư cả chục năm nay, gia đình chạy vạy khắp nơi, bán cả nhà để chữa chạy cho con nhưng vẫn không cứu được. Năm 2009, con gái đầu của bà là chị Hoàng Thị Lý lại bị tai nạn giao thông, đến giờ chỉ sống thực vật. Bà Hồng than thở: “Cả nhà đều sống nhờ vào quán nước này, nay bị cấm thì chúng tôi biết làm sao đây?”. Lều bạt cọc gỗ bị bỏ trống rất nhếch nhác. Ảnh: Văn Ngọc
Ngày 3-6-2011, UBND thành phố Pleiku có Công văn số 543/UBND-TH nghiêm cấm việc mua bán trái phép quanh khu vực Biển Hồ nước, các hàng quán trước cổng (kể cả ngày và đêm).
Hết đường mưu sinh
Theo công văn này thì trước ngày 30-6-2011, các hàng quán phải chấm dứt hoạt động kinh doanh, tiến hành dỡ bỏ toàn bộ lều bạt, cọc gỗ khỏi khu đất thuộc lâm viên Biển Hồ. Công văn thể hiện quyết tâm giữ sạch vệ sinh môi trường và cảnh quan Lâm viên Biển Hồ, cụ thể là trước cổng Biển Hồ. Nhưng đi cùng với đó là các hộ dân buôn bán quanh đây hết đường mưu sinh.
Đồng cảnh ngộ là gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (31 tuổi) có đứa con trai thứ hai là Nguyễn Trọng Đức bị động kinh và bại não suốt 4 năm nay. Anh chị phải bán đất bán vườn để chữa trị cho cháu. Anh Thắng còn bị thoát vị đĩa đệm, không thể làm việc nặng. Xe nước mía cũng là “cần câu cơm” của gia đình.
Còn bác Nguyễn Đức Tiến năm nay 70 tuổi, thui thủi một mình trong ngôi nhà nhỏ, hàng ngày đẩy qua đẩy về chiếc xe nước mía để mưu sinh.
Cấm rồi có tốt hơn?
Cách đây hơn chục năm, khi khu vực trước cổng Biển Hồ chỉ là rừng thông hoang vu, bụi rậm và lắm tệ nạn. Những hộ dân gần đó đã phát quang, tôn tạo mặt bằng để mở quán nước. Ban đầu là một, hai quán, đến nay là 11 hộ tham gia buôn bán. Người dân Pleiku quen gọi đây là “siêu thị nước mía”. Đi trên đường có thể nhìn được mặt hồ nước trong xanh, cảnh quan được cải thiện. Hàng ngày, người dân và du khách có chỗ dừng chân uống nước, ngoạn cảnh. Anh Nguyễn Thiên An-một người dân cho biết : “Chúng tôi vẫn hay ngồi uống nước, trò chuyện, ngắm cảnh với bạn bè ở đó. Bây giờ cấm thì chỗ dừng chân “lý tưởng” không còn.
Trên thực tế, trước nay ở đây chưa hề xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách, vệ sinh, rác thải cũng được thu gom khá sạch sẽ. Vậy tại sao không chấn chỉnh hoạt động, phân lô, thu phí, yêu cầu đảm bảo vệ sinh.
Ông Bùi Ngọc Lộc- Trưởng Công an xã Biển Hồ cho biết: “Chúng tôi đang xác minh 11 hộ kinh doanh quán nước và sẽ sớm gửi báo cáo lên UBND thành phố xin ý kiến. Giúp hộ khó khăn là việc nên làm”.
Văn Ngọc