Phóng sự - Ký sự

Khu Tám- hôm qua và ngày nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
1. Một ngày giữa mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi có dịp “tháp  tùng” một cựu binh đến thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. Dù chưa đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) nhưng nhiều ngôi mộ đã được thắp hương mới, đặt hoa tươi, nhổ sạch cỏ dại. Là mùa mưa nhưng An Khê tạnh ráo. Trời gió và hanh. Nghĩa trang thị xã nằm ở một khoảng rộng, thoáng đạt giữa bốn bề cây cối xanh tươi.
Người cựu binh tóc nay đã hoa râm, khum người che gió thắp nhang. Ông lặng lẽ cắm từng cây trên mộ đồng đội. Chìm vào hoài niệm, ông nói với chúng tôi mà như độc thoại: “Ngày đó tui là một trong những người nhỏ nhất đơn vị mà bướng bỉnh cũng vào hàng nhất, nhì, thế mà lúc nào các anh, các chị cũng bênh vực, còn kể cho nghe đủ chuyện đời. Nhiều người trong số đó vĩnh viễn nằm xuống khi tuổi đời trẻ lắm”.
Thăm đồng đội. Ảnh: Quốc Ninh
…“Hai đồng chí này (liệt sĩ Trịnh Văn Đào và liệt sĩ Trương Hớn, cùng sinh năm 1952- cùng quê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định) khi còn sống, cùng đơn vị họ chơi thân với nhau như người một nhà. Nằm xuống, tuy hai thời điểm khác nhau nhưng các anh vẫn được cạnh nhau…”- vừa cắm nén nhang lên hai mộ liệt sĩ cạnh nhau trong số hàng ngàn mộ phần tại nghĩa trang, ông Đoàn Minh Phụng (một cựu binh từng hoạt động ở khu 8, An Khê ngày nay-P.V) kể cho chúng tôi về những đồng chí từng vào sinh ra tử trên mặt trận vùng này.
Dừng lại khá lâu trước mộ liệt sĩ Lương Văn Có (sinh năm 1952)- hy sinh khi chưa tròn đôi mươi, quê ở xã Song An, thị xã An Khê, ông Phụng bùi ngùi: “Hôm đó anh Có thay tôi đi làm nhiệm vụ, không ngờ lọt ổ phục kích của biệt kích Mỹ…”. Trước mộ liệt sĩ Lê Tùy (sinh năm 1942)- hy sinh 4-10-1973, quê xã Cửu An, thị xã An Khê: “Anh Tùy bảnh trai, rất nhiều cô là cơ sở cách mạng vùng An Khê mê đấy”…
Thắp nén nhang trước mỗi mộ phần, người giao liên của mấy chục năm trước khi lặng im, khi nhắc những mẩu chuyện buồn- vui liên quan đến người nằm dưới mộ đầy trìu mến, thân thương. Trong ông, bóng dáng của những người anh, người đồng chí với cá tính riêng vẫn rõ mồn một, như thể, cuộc chia ly này, mới từ hôm qua…
2. Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc chiếc u-oát của Cơ quan Quân sự thị xã An Khê vừa tới. Hai chiến sĩ trịnh trọng khiêng từ trên xe xuống một chiếc quách, phủ bên trên lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Đoàn người lặng lẽ theo sau tiến vào nghĩa trang, làm các thủ tục cần thiết để an táng. Vậy là thêm một liệt sĩ, một đồng chí, đồng đội về với nghĩa trang này, vào đúng dịp đặc biệt, 27-7.
Buổi lễ giản dị và trang trọng đón thêm một liệt sĩ về bên đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cuộc “trở về” xúc động diễn ra lặng lẽ nhưng trang trọng trong sáng hôm ấy: Liệt sĩ Bùi Chí Sỹ- hy sinh năm 1964, quê xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được Cơ quan Quân sự thị xã di dời mộ phần từ Bình Định lên Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã trong tình cảm thân thương của người thân. Chị Bùi Thị Kim Phụng- tổ 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê- con gái duy nhất của liệt sĩ Bùi Chí Sỹ, chia sẻ: “Tôi muốn đưa ba về đây đã lâu nhưng nay mới có điều kiện. Ông về bên những đồng chí, đồng đội cho ấm cúng, mà tôi cũng có điều kiện để chăm sóc phần mộ thường xuyên hơn”.
Nhắc đến người cha hy sinh khi chị chỉ vừa biết đi, giọng chị bỗng nghẹn lại: “Khi ba tôi hy sinh, tôi nhỏ quá để hiểu được những mất mát. Mẹ tôi vẫn thường kể, ba cao lớn, khỏe khoắn lắm. Ông lúc nào cũng vui vẻ và rất dũng cảm. Tôi luôn giữ hình ảnh thật đẹp ấy về ba để cố gắng trong công việc, trong cuộc sống. Tôi vẫn thường kể về ông cho các con, xem đó như một tấm gương về lòng yêu nước, sự hy sinh. Con tôi có đứa đang học Đại học An ninh, hy vọng cháu sẽ sớm trở thành một chiến sĩ Công an biết sống có ích”. Còn bà Nguyễn Thị Trị, năm nay gần 70 tuổi, dù phải gạt nỗi đau để nuôi con một mình từ cách đây 47 năm, ký ức về người chồng chiến sĩ dù vậy cũng không hề phai nhạt. “Tôi đã gặp gỡ nhiều người đàn ông rồi, nhưng chẳng ai đàn ông và… đẹp trai hơn ổng cả”- bà Trị kể.
Tuy vậy, không phải ai cũng được đoàn tụ với đồng đội. Những người ở lại không nén được tiếng thở dài khi nhắc nhớ những đồng chí, đồng đội bị bắn, bị phục kích nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, xác của họ bị thú dữ tha mất, hay nằm lại đâu đó giữa đại ngàn, chưa tìm lại được. Song, dù hiện diện tại nghĩa trang hay còn nằm lại giữa những cánh rừng, người đi xa vẫn rất gần gụi trong trái tim người ở lại trong bao chuyện kể đời thường.
Người quản trang ở đây kể với chúng tôi rằng, có nhiều người ở xa, không có điều kiện, nhưng vì muốn người thân của mình được nằm với đồng đội nên lâu lắm họ lại về đây thăm. Đó không hề là dịp gì cả, chỉ sắp xếp được thời gian, lận lưng một ít lộ phí, vậy là đủ. Họ “ở” với người thân vài tiếng đồng hồ, rồi lại lặng lẽ quay về với cuộc mưu sinh.
3. Trong cuộc hội ngộ hôm ấy- vào dịp 27-7 này- ngay trên vùng đất mà họ đã có những năm tháng cầm súng vì sự giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà… giữa những đồng đội xưa- Lê Thanh Hiển, Nguyễn Hữu Nam, Đoàn Minh Phụng…, luôn là những chuyện có vẻ không đầu, không cuối, chỉ họ hiểu với nhau. Nhưng khi trở về những năm tháng cùng nhau chiến đấu với mạch chuyện bất tận không phải ai cũng hiểu ấy, mới thấy họ hạnh phúc vô cùng, cảm động vô cùng, thương nhớ vô cùng…
Một góc thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Đức Thụy
Hạnh phúc bởi, sau bao năm tháng gian khổ, có biết bao đồng đội ngã xuống, bản thân họ có người mất đi một phần thân thể, nhưng họ được sống để nhìn bầu trời tự do, để thấy quê hương sạch bóng quân thù. Cảm động khi nhắc đến những chuyện chia ngọt sẻ bùi trong chiến tranh hay thương nhớ người vĩnh viễn nằm xuống; từ chuyện bị thương, bị phục kích, đến cả chuyện “tán” gái hay khi nói đến tật xấu của nhau… khi nhắc lại vẫn thấy được tình cảm giản dị và chân thành của chất lính.
Chiến trường ác liệt năm nào giờ là những vùng đất, cư dân trù phú Kbang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro. Cuộc sống no ấm, các công trình dân sinh ngày càng nhiều và hiện đại phục vụ người dân, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã đến được với đồng bào nghèo trên vùng đất từng mang bao đau thương do chiến tranh tàn phá, hẳn sẽ là câu chuyện dài của những cựu binh già khi ngồi lại với nhau. Đó còn là sự an ủi lớn trước những mất mát, hy sinh khi đồng đội họ đã phải trả bằng máu mới có được. Sự an bình, ấm no đang hiển hiện nơi vùng đất năm nào bom cày đạn xới, tai họa rình rập. Và sự phấn đấu đó, hẳn đã là sự tri ân những con người ngã xuống ngày hôm qua…
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm