(GLO)- Theo Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, năm 2012 là năm khởi đầu thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét nhưng khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số bệnh nhân mắc sốt rét của khu vực là 5.261 trường hợp, tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong đó có 7/15 tỉnh có số bệnh nhân sốt rét tăng và tăng cao nhất là tỉnh Phú Yên tăng 63,89%, Gia Lai tăng 35,52%, Bình Định tăng 25,55%, tiếp đến là các tỉnh Đak Lak, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Có 7/15 tỉnh có số bệnh nhân sốt rét giảm là Quảng Nam, giám 38,24%, Bình Thuận giảm 35,13%, tiếp đến là các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho số bệnh nhân sốt rét của khu vực tăng là do tình trạng là di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới), ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân còn thấp nên hạn chế chất lượng biện pháp bảo vệ; hiệu quả hoạt động của màng lưới y tế cơ sở (xã, thôn bản) và các điểm kính hiển vi chưa cao, tình trạng kinh tế của cộng đồng các dân tộc còn thấp nên nguy cơ sốt rét quay trở lại và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào.
Để hạn chế lây lan bệnh sốt rét trong cộng đồng, không để xảy ra tử vong và bùng phát dịch, từ nay đến cuối năm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đề nghị ngành Y tế các tỉnh tròng khu vực tiếp tục tăng cường chỉ đạo và giám sát dịch tễ sốt rét các vùng trọng điểm, ngăn chặn sốt rét gia tăng và nguy cơ xảy ra dịch, hạn chế tử vong sốt rét ở đối tượng di biến động dân khó kiểm soát.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phòng chống sốt rét tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, có tỷ lệ mắc, chết do sốt rét cao và nơi có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Bên cạnh đó nagnfh y tế các tỉnh, thành cũng cần tiếp tục tăng cường giám sát và điều trị bệnh sốt rét cũng như truyền thông giáo dục - xã hội hóa phòng chống sốt rét…
Nguyễn Xuân