Cùng với việc lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gây rối, từ năm 2001 đến 2005, bọn phản động FULRO đã lừa phỉnh một số người nhẹ dạ cả tin vượt biên sang Campuchia với hy vọng hão huyền...
Những điều bịp bợm được kẻ xấu rỉ tai nhau, kích thích tâm lý hướng ngoại của một bộ phận người dân tộc thiểu số lười lao động nhưng muốn đổi đời. Một số thành phần bất hảo hoặc do mâu thuẫn trong gia đình cũng tìm cách trốn theo. Thực tế hoàn toàn trái ngược, những người lầm lỡ không chịu được cuộc sống khổ cực, đói rét trong lán trại tạm cư ở Campuchia đã tình nguyện và bị buộc phải hồi hương.
Sự trở về của họ làm thức tỉnh những ai còn mơ tưởng viển vông về “miền đất hứa”. Bên cạnh đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã khuyến cáo chuẩn bị đóng cửa trại tạm cư tại Phnôm Pênh (Campuchia), vì vậy đến nay tình trạng trốn sang Campuchia đã giảm đáng kể. Trong năm 2009, trên địa bàn Gia Lai chỉ có 11 trường hợp vượt biên, giảm 96% so với năm 2008. Ngoài ra, đã tiếp nhận 6 đợt với 79 người dân tộc thiểu số bỏ trốn được Chính phủ Campuchia và UNHCR trao trả. Tất cả những người lầm lỡ trở về, chính quyền luôn quan tâm tạo điều kiện sớm ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.
Đại diện chính quyền địa phương trao quyết định trao trả người vượt biên sang Campuchia trở về gia đình. Ảnh: Thanh Khiết |
Thế nhưng, mới đây tại địa bàn huyện Ia Grai vẫn có 2 trường hợp lại rủ nhau tìm đường vượt biên sang Campuchia. Đó là Ksor H’Jun (SN 1964), trú tại làng Breng 2, xã Ia Dêr cùng con gái là Ksor H’Wương (SN 1995). Tháng 6-2007, Ksor H’Jun cũng đã trốn sang trại tạm cư tại Campuchia và đến tháng 5-2009 thì đối tượng này bị UNHCR buộc phải hồi hương.
Cũng giống như hàng trăm trường hợp lầm lỡ khác buộc phải trở về, Ksor H’Jun được chính quyền và dân làng tạo mọi điều kiện giúp đỡ đoàn tụ cùng gia đình. Vậy mà, chỉ được một thời gian ngắn đối tượng này lại tiếp tục bỏ trốn lần thứ 2 vào ngày 19-3-2010. Được biết, từ ngày H’Jun trở về, vợ chồng họ thường xảy ra mâu thuẫn. Nhiều lần Ksor H’Jun bị người chồng là Puih Bur gây sự, đánh đập và phải chạy sang nhà hàng xóm lẩn tránh. Trước khi bỏ trốn, Ksor H’Jun đã nói ý định trên với vợ chồng con gái lớn là Ksor H’Wan và cho biết sẽ đón xe vào TP. Hồ Chí Minh rồi xuống An Giang để trốn sang bên kia biên giới. Ngày 19-3-2010, lợi dụng lúc người chồng đi vắng, Ksor H’Jun rủ con gái tìm đường bỏ trốn.
Công an huyện Ia Grai xác minh làm rõ việc các đối tượng trên do bức xúc chuyện gia đình, hoàn toàn không có việc chính quyền phân biệt đối xử với những người lầm đường, lạc lối trở về như kẻ xấu xuyên tạc.
Thanh Khiết