(GLO)- Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của đất nước. Tập trung cao độ để phục hồi kinh tế là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho từng cấp, ngành và doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, dịch bệnh trong nước đang bước vào giai đoạn bùng phát mạnh trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để tự tin vượt qua, tiếp tục giành thêm nhiều thành tích cho năm 2022.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy hiệu quả từ cách thức điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ thời gian qua. Nền kinh tế đã được vận hành đúng hướng, phục hồi vững chắc và phát triển bền vững, khi các chỉ số về kinh tế được duy trì tốt từ cuối năm 2021. Xuất-nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng với tổng kim ngạch ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13%; sản xuất công nghiệp tăng 5,4%; đầu tư tư nhân tăng 10,4%; số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 46,2% (so với 2 tháng cùng kỳ năm 2021). Các chỉ số tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; hoạt động du lịch... tăng trưởng tốt cũng khẳng định nỗ lực chung của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp.
Năm nay, nhiều công trường, nhà máy duy trì sản xuất xuyên Tết để bảo đảm tiến độ, nhiều doanh nghiệp cho công nhân trở lại làm việc sớm để khẩn trương hoàn thành đơn hàng, khôi phục sản xuất sau thời gian dài đình trệ vì Covid-19, nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao.
Sau 1 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, một số chính sách đã được triển khai ngay, như giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng từ đầu tháng 2; Ngân hàng Chính sách Xã hội được Chính phủ bảo lãnh, tăng hạn mức bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước tối đa 38,4 ngàn tỷ đồng; trong đó năm 2022 tối đa 19 ngàn tỷ đồng để cho vay với các đối tượng được hỗ trợ là: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế; các ngân hàng thương mại bắt đầu triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải, kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo... Nguồn vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch… đang tìm “địa chỉ” để giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 126 ngày 12-2-2022 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… để các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Không thể miễn nhiễm trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất-nhập khẩu. Chiến sự Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu, xăng dầu tăng giá, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, cùng các chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nền kinh tế.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, càng cần nâng cao tính độc lập tự cường của nền kinh tế; cần có những ưu tiên mang tính dài hạn, chiến lược, nhưng cũng cần những ưu tiên ngắn hạn: Xuất khẩu luôn là quan trọng nhưng cần đưa thị trường trong nước thành trụ cột. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực sản xuất, chủ động nguồn cung nguyên nhiên vật liệu và công nghệ; đảm bảo kinh tế vĩ mô vững vàng hơn trước; nâng cao khả năng chống chọi của nền kinh tế trước những biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải khôn khéo, linh hoạt, tự cường từ cấp độ kinh tế vĩ mô đến doanh nghiệp. Đồng thời, giữ vững tinh thần lạc quan, nâng cao tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm, phát huy trí tuệ Việt, bản lĩnh Việt, tự tin vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp hơn, tăng tốc phục hồi kinh tế, để đất nước lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.
ĐÌNH CƯƠNG