Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Kon Tum: Cần an toàn cho những cây cầu treo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày gần đây vụ sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm 8 người chết và hàng chục người bị thương gây xôn xao dư luận.

Tỉnh Kon Tum hiện có hàng chục cầu treo được làm rất sơ sài, nguy hiểm luôn chờ trực khi có người đi qua lại. Tại xã Đak Môn, huyện Đak Glei có tới 2 cây cầu treo tại thôn Ri Nầm và Đak Nai được xây dựng từ trước năm 2005. Cây cầu treo thôn Ri Nầm bắc qua sông tới khu sản xuất chính của bà con có chiều dài hơn 30 mét, chiều rộng khoảng 1,2 mét. Phần dây treo được làm bằng dây cáp vặn, phần sàn đoạn được lót bằng sắt, đoạn được lót bằng ván gỗ.

 

Để chở được nông sản qua cầu treo thôn Đak Nai, người dân phải đi thật chậm, chống hai chân cho khỏi ngã. Ảnh: Hoàng Thanh

Bà Y Viên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Môn cho biết: “Cả hai cây cầu đã bị hư hỏng nặng do cơn bão số 9-2009 tàn phá. Những miếng sàn cầu bằng ván là do ván sắt bị cuốn trôi mất người dân phải lót vào để dùng tạm”. Cũng theo bà Viên, mỗi lần mưa bão xã lại phải cử người tháo dỡ lớp ván sắt mang về cất vì sợ trôi đi mất, xong bão mang ra lắp lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại, phía chính quyền xã đã “đề nghị cấp trên cấp kinh phí để sửa chữa nhưng vẫn chưa được giải quyết”- bà Viên cho biết.

Thảm cảnh hơn là chiếc cầu treo của làng Đak Tu, xã Đak Long, huyện Đak Glei. Cây cầu treo nối vào khu sản xuất của xã có chiều dài khoảng 40 mét, chiều rộng chỉ 1 mét. Dây cáp treo mỗi bên được làm bằng 2 cây sắt loại phuy 8 cuộn lại với nhau. Hai bên cầu những cây sắt phuy 6, sen kẽ là những cây nứa dài chằng chịt với nhau như mạng nhện. Sàn cầu được làm từ những ván gỗ đã mục nát, nhiều tấm đinh nhô mặt sàn khoảng 1 cm. Hai bên trụ cầu là những cây gỗ được chôn sâu xuống đất. Cây cầu nằm trên con đường huyết mạch vận chuyển nông sản của người dân. Mỗi khi có người đi qua là cây cầu rung rầm rập, lắc qua lắc lại. Đặc biệt là khi có xe máy chở nông sản đi qua thì sức nặng càng làm cây cầu chao đảo mạnh hơn, để giữ thăng bằng cho khỏi ngã người lái xe phải đi thật chậm, dùng chân chống xuống mặt sàn. Anh A Theo 25 tuổi, làng Đắk Tu cho biết: “Mình đi nhiều nên quen rồi, ai mà đi không quen cây cầu đung đưa dễ bị ngã xuống suối lắm”.

 

Các đoạn đấu nối được làm rất tạm bợ, sơ sài. Ảnh: Hoàng Thanh

Tương tự tại huyện Ngọc Hồi, dọc theo dòng sông Pô Kô có khoảng 5 cây cầu treo. Nhiều mố cầu bị nước sói mòn ăn sâu vào trong thân cầu. Nhiều đoạn như ở thôn Cà Nhảy, Dục Nhầy-xã Dục Nông người dân vẫn sử dụng cáp treo đu qua sông và vận chuyển nông sản. Người dân thôn Dục Nhầy cho biết, trước đây có cán bộ của Tòa án huyện Ngọc Hồi có việc phải đi đu dây cáp qua sông, khi ra giữa sông do hoảng sợ nên bị rơi xuống suối, rất may suối nước sâu nên không bị thương nặng.

Hoàng Thanh

Có thể bạn quan tâm