TN - Đất & Người

Kon Tum: Khởi tố vụ cưa hạ gỗ dổi cổ thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi bắt xe chở gỗ lậu, ngành chức năng truy vết theo dấu trâu kéo thì phát hiện hiện trường gỗ dổi cổ thụ bị cưa hạ nằm la liệt.
 
Chiếc xe chở gỗ bị bắt
Ngày 28-5, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum xác nhận, Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông vừa khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, xảy ra tại tiểu khu 214 (địa giới xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô).
Trước đó, qua thời gian mật phục, ngày 22-5, ngành chức năng đã bắt quả tang ông Lê Văn Hải (thôn Năng Nhỏ 2, xã Đắk Sao) điều khiển xe ô tô mang BKS 92C - 057.37, trên xe có 6 hộp gỗ dổi với khối lượng gỗ quy tròn là hơn 2,7m3.
Thời điểm bắt quả tang, ông Hải không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ. Ông Hải khai nhận bản thân chỉ chở thuê nhưng không khai chở cho ai, cũng như vị trí khai thác số gỗ mà bản thân ông đang chở.
 
Số gỗ lậu chở trên xe
Ngày 26-5, từ vị trí bắt xe gỗ nói trên, ngành chức năng mở rộng kiểm tra và men theo dấu vết trâu kéo gỗ để truy vết vào lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 214 (rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất, do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô quản lý) thì phát hiện tại hiện trường có 5 lóng gỗ và 11 hộp, tấm gỗ xẻ (chủng loại dổi) với khối lượng quy tròn là 13,088m3. Hiện trường cũng có 1 gốc cây gỗ dổi đã bị cưa hạ. Bước đầu xác định, khối lượng gỗ tại hiện trường là khai thác tại cây gỗ bị đốn hạ này.
Theo ông Vương Văn Mười, có khả năng số gỗ bắt giữ trên xe tải cũng được khai thác tại tiểu khu 214 nói trên. Huyện xác định vụ việc có thể có “liên quan đến ông Hải và một số người nữa” nên đã chỉ đạo khởi tố, chuyển cơ quan công an.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô cho biết, công an đang điều tra vụ việc.
Được biết, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là huyện trồng nhiều “Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh nhất ở Kon Tum. Loại sâm này được trồng dưới tán rừng nên người dân lo ngại rừng bị phá sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, phát triển của loại cây này.
HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm