Kông Chro nỗ lực vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2017, Đảng bộ huyện Kông Chro phấn đấu có 51% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh; không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 84,5%; tỷ lệ kết nạp đảng viên vượt 3,08% nghị quyết; 11/14 chi bộ quân sự có chi ủy và 62/114 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy.

Vượt khó đi lên

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Kông Chro năm 2016 là 39.578 ha, đến nay toàn huyện đã gieo trồng được 39.694 ha cây trồng các loại, vượt kế hoạch đề ra và tăng 3,7% so với năm 2015. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2016 ước đạt 2.925,3 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2015 và chiếm 47,7% trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có 52.545 con, tăng 4% so với năm 2015. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là tới nay, toàn huyện đã phát triển được 16 cánh đồng/45 nhóm hộ với gần 1.120 ha mía trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có hợp đồng liên kết với Nhà máy Đường An Khê và có 266 ha/23 cánh đồng với 115 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đăng ký tham gia cánh đồng mía lớn.

 

Trụ sở Huyện ủy Kông Chro. Ảnh Ngọc Minh
Trụ sở Huyện ủy Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh

Tuy vậy, năm 2016 là một năm khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp do chịu tác động của tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Nắng hạn kéo dài đã làm thiệt hại hơn 2.720 ha cây trồng các loại, thiệt hại ước tính trên 30 tỷ đồng. Huyện đã được tỉnh hỗ trợ hơn 2,7 tỷ đồng để giúp người dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Kèm với đó, các đợt mưa lũ diễn ra vào tháng 12 vừa qua cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nhân dân. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 28,2 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 555 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2015. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 52%, vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm 4%, vốn tín dụng chiếm 5%, vốn doanh nghiệp tư nhân và dân cư chiếm 39%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 23,67 tỷ đồng, vượt 11,6% nghị quyết. Trong đó, thu ngân sách huyện được 22,2 tỷ đồng, vượt 4,7% nghị quyết; chi ngân sách 315,58 tỷ đồng, vượt 9,23% dự toán năm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 957 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), tăng 14,5% so với năm 2015. Doanh thu vận tải đạt 63,7 tỷ đồng, vượt 7,6% kế hoạch (tăng 9,8% so với năm 2015). Huyện cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Trong năm, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về  xây dựng nông thôn mới là 222,64 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân sản xuất. Đến nay, đã giải ngân được gần 203 tỷ đồng, đạt 89,7%. Qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng thực hiện 19 tiêu chí, đến nay bình quân đạt 7,6 tiêu chí/xã, xã đạt cao nhất 10 tiêu chí, xã đạt thấp nhất 5 tiêu chí.

 

Lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy thăm tặng quà người dân làng Brang. Ảnh L.H
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy thăm tặng quà người dân làng Brang. Ảnh: L.H

Chăm lo xóa đói, giảm nghèo

Trong năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, thường xuyên nắm bắt tình hình đói, đau trong nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời. Trong năm 2016, toàn huyện có 1.116 hộ thoát nghèo, đưa tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 4.788 hộ, chiếm 45,04%, giảm 8,8% so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, toàn huyện còn 1.087 hộ cận nghèo, chiếm 10,22% (trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 840 hộ, chiếm 77,28%). Để tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, hoạt động tín dụng cho đối tượng chính sách và hộ nghèo được đẩy mạnh, giúp cho người vay tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay đầu tư phát triển sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Huyện cũng đã thực hiện di dời 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sạt lở làng Brang (xã Đak Pling) đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt và bổ sung dự án di dời 60 hộ dân làng Brang (xã Đak Pling) và dự án di dời tái định cư cho 43 hộ dân di cư tự do tại xã Chư Krey vào quy hoạch bố trí dân cư của tỉnh.

 

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân huyện Kông Chro đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Bên cạnh chú trọng xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển sản xuất, các lĩnh vực khác cũng được địa phương quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn huyện có 13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi bậc mầm non, 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2015-2016, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 79,5%. Năm học này, toàn huyện có 11.860 học sinh ở 547 lớp. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, hệ thống cơ sở vật chất ngành Giáo dục-Đào tạo tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Ngành Y tế thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia cũng như công tác y tế dự phòng nhằm nâng cao hiệu quả khám-chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 12 trạm y tế đạt chuẩn. Ngành Y tế thường xuyên phối hợp với các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp phòng-chống các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A (H1N1, H5N1), bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng... đi liền với công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, ông Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro cho biết: Năm 2017, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,11%, tổng giá trị sản xuất đạt 3.249 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 23 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 38%. Toàn huyện phấn đấu gieo trồng 38.500 ha cây trồng các loại, tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên rừng trên địa bàn, đảm bảo khai thác đem lại hiệu quả kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường thu hút đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong năm, bình quân mỗi xã phải đạt 3 tiêu chí nông thôn mới.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm