Kinh tế

Kông Yang: Hiệu quả từ mô hình vỗ béo bò con sau khi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa” là mô hình nằm trong phạm vi hợp phần Dự án cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai. Sau 6 tháng triển khai tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro), dự án đã kết thúc và cho thấy những kết quả khá tích cực.
 

Những con bê thuộc dự án sẽ được đeo số tai cụ thể để tiện việc theo dõi. Ảnh: Hồng Thi

Mô hình này do Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi gia súc lớn (xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) xây dựng cũng như thực hiện. Trước đó, vào khoảng tháng 9-2012, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kông Chro cùng UBND xã Kông Yang tiến hành khảo sát tại 25 hộ dân có chăn nuôi bò trên địa bàn xã. 7 con bê của 3 hộ gia đình (thuộc thôn 2 và thôn 4) nằm trong độ tuổi phù hợp với mô hình trình diễn-tức từ mới sinh đến dưới 20 ngày-sau đó được chọn để triển khai.

Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi gia súc lớn đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nhằm đảm bảo mô hình trình diễn có chất lượng tốt, theo đúng tiến độ và giúp người dân nắm chắc quy trình kỹ thuật; đồng thời, cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng vật tư, thức ăn tinh (150 kg/con), thức ăn xanh (3.000 kg/con) trong chương trình dự án. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cung cấp cho các hộ nông dân tham gia dự án các tài liệu liên quan đến kỹ thuật cũng như hướng dẫn họ viết nhật ký chăn nuôi bò.
 

Dự án hỗ trợ cỏ xanh cho bò mẹ 12 kg/ngày trong suốt 5 tháng nuôi con. Ảnh: Hồng Thi

Để cung ứng kịp thời và nhanh chóng lượng thức ăn xanh cho bò mẹ và bê thuộc mô hình, Trung tâm đã ký hợp đồng mua cỏ với bà Trần Thị Lang (thôn 2) với giá 1.500 đồng/kg (bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển). Ngoài ra, thức ăn hỗn hợp (cám viên) cũng được chở đến tận nhà cho người dân. Bò mẹ và bê được cho ăn theo đúng khẩu phần quy định. Số lượng thức ăn sẽ tăng lên theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bê.

Những con bê thuộc dự án được đeo số tai cụ thể để tiện việc theo dõi. Hàng tháng, Trung tâm đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng Trạm Thú y xã đến từng hộ nông dân tham gia mô hình để trực tiếp nắm được trọng lượng bê bằng cách đo vòng ngực của chúng. Người dân cũng thông qua đó mà có thể tự đánh giá mức độ hiệu quả nhiều hay ít mà dự án mang lại.
 

Cho bê ăn thức ăn hỗn hợp dạng viên để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cần thiết, giúp tăng trưởng nhanh. Ảnh: Hồng Thi

Chị Đoàn Thị Phước (thôn 2, xã Kông Yang), một trong 3 hộ gia đình được chọn thực hiện mô hình trình diễn, chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 16 con bò lớn nhỏ, trong đó có 3 con bò con thuộc dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa. Qua 6 tháng chăm sóc theo đúng chế độ của mô hình, tôi nhận thấy được ngay sự khác biệt. Nếu như nuôi theo cách thông thường trước giờ thì chỉ bán được khoảng 7-8 triệu đồng/con. Trong khi đó, 1 con bò con thuộc dự án, hiện tại có giá từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng với trọng lượng khoảng 150 kg. Trừ mọi chi phí, chắc chắn vẫn có lãi. Vì vậy, ngoài 3 con bò con thuộc mô hình được hỗ trợ, tôi tự bỏ chi phí mua thức ăn hỗn hợp và trồng thêm cỏ để áp dụng cho tất cả số bò còn lại”.

Tuy nhiên, chị Phước cũng chia sẻ thêm, thời điểm này đang là mùa khô, nắng hạn kéo dài, lượng nước cũng dần cạn kiệt nên người chăn nuôi bò cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều người phải lặn lội đi thật xa để gánh nước về cho bò uống. Hơn nữa, cỏ trồng không đủ nước tưới cũng trở nên khô khan hơn, hàm lượng dinh dưỡng vì thế cũng giảm đi đáng kể so với cỏ tươi. Những điều ấy cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của bò.
 

VA06 là loại cỏ được người dân nơi đây trồng ngày càng nhiều để nuôi bò. Ảnh: Hồng Thi

Nói về việc áp dụng và nhân rộng mô hình này, ông Vũ Văn Tĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang, cho biết: Nhận thấy được những kết quả rất khả quan của dự án, từ 3 hộ gia đình thí điểm này, UBND xã sẽ chỉ đạo cho họ cũng như Hội Nông dân, Trạm Thú y tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn và triển khai nhiều hơn nữa mô hình trên địa bàn xã, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đẩy mạnh việc trồng và nhân giống cỏ VA06 để đảm bảo thức ăn xanh cho bò. Hiện có khoảng 50% nhân dân trong xã ủng hộ mô hình này. Hy vọng nó sẽ góp phần giúp người dân trong xã dần vượt qua cái nghèo và ổn định cuộc sống.
 

Ngoài xã Kông Yang, mô hình “Chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa” còn được triển khai tại thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) và huyện Kbang.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm