TN - Đất & Người

Kpuih Ích-Người dũng sĩ bình dị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngồi trước chúng tôi giờ đây là một người phụ nữ chừng ngoài 70 tuổi, dịu dàng và mộc mạc đến từng lời nói. Cứ theo cách nói của bà thì việc bà vinh dự được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cũng là do được Đảng, Nhà nước dành cho nhiều sự yêu mến, bởi: “Công sức của mình có được là bao so với sự hy sinh của biết bao anh em, đồng đội”.

Xã Ia Kly (huyện Chư Prông) một sớm mờ sương. Chỉ cần vài bước chân men theo con đường cấp phối phẳng lỳ, lúp xúp cây xanh nơi đầu xã, làng Nú hiện ra, trong trẻo đến nao lòng. Đưa tay về phía ngôi nhà cấp 4 kiên cố và rộng rãi, nằm nép dưới tán ổi trĩu cành, đám trẻ đang chơi đùa trên đường làng cười giòn giã: “Nhà Kpuih Ích đấy, nhưng mí vừa đi rồi, chỉ có Krit ở nhà thôi”. Nghe tiếng gọi, một thiếu nữ Jrai ra mở cổng: “Hỏi mí à, vào nhà chờ, mình đi kêu về cho”. Ngồi xuống bậc thềm, chưa kịp uống ly trà nóng hổi, tôi đã thấy tiếng xe máy rì rì đầu ngõ, rồi thoáng cái, giọng nói ấm áp của mí đã vang khắp nhà.

 

Bà Kpuih Ích bên đồng đội và người thân. Ảnh: T.H

Những dòng ký ức

…Nhắc lại chuyện cũ-cái thời hết tham gia trong đội văn nghệ rồi lại có tên trong đội du kích của làng Nú một lòng theo Đảng, theo cách mạng, mí Kpuih Ích hết im lặng rồi lại cười-cái cười hiền khô. Một lát, bà đưa tay lên ôm mặt rồi chỉ xuống chân: “Miệng mí bị bọn Mỹ đánh gãy hết răng, chân mí bị bọn Mỹ bắn bị thương mấy lần nhưng bọn chúng càng tra tấn bằng những đòn ác hiểm, mí lại càng căm ghét chúng hơn. Không khai thác được gì ở mí, chúng gọi mí là “con Việt Cộng cái ngoan cố” đấy”. Rồi, cũng thật bất ngờ, sau câu nói ấy, lớp lớp những tháng năm của một thời tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng lại ăm ắp ùa về.

Trong kháng chiến, xã E5, khu 5 (gồm xã Ia Phìn, Ia Kly và thị trấn Chư Prông bây giờ) nói chung, làng Nú nói riêng được coi là “bức tường thép” của ta. Trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, dân làng Nú vẫn kiên cường, quyết một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết tâm bảo vệ quê hương. Trong những năm 1962-1963, bọn Mỹ tổ chức rất nhiều trận càn tại các làng của E5, có trận chúng đến làng từ sáng sớm, dồn bà con xếp thành hàng rồi… bắn; người chết, người bị thương nằm la liệt; máu chảy như suối.

Chứng kiến cảnh này, đang từ đội văn nghệ chuyên đi phục vụ bộ đội của làng, cô gái Kpuih Ích xin vào du kích (năm 1964). Đội du kích 30 người, dù là đội viên mới nhưng Kpuih Ích không chịu thua ai, từ việc cắm chông, gài mìn đến dùng AK, B40 bắn Mỹ.

Sau khi thua nặng ở trận Plei Me, bọn Mỹ tiếp tục quay lại dồn mọi lực lượng đánh phá vùng ven cận khu căn cứ, trong đó có E5, có làng Nú của Kpuih Ích. Năm 1967, Kpuih Ích chỉ huy đơn vị du kích đánh trả lại cuộc càn có quy mô của địch. “Máy bay bay cao, ở dưới đất sợ bắn không tới; xe tăng chạy bụi quá, ở dưới đất sợ không nhìn rõ, vì vậy mí từ vị trí hầm chiến đấu, trèo thẳng lên cây, dùng súng AK bắn máy bay địch. AK hết đạn, mí liền vác B40.

Lúc này dưới đất, xe tăng địch ồ ạt tấn công, tiến mỗi lúc một gần hơn vị trí chiến đấu của đội. Vậy là mí dùng B40 bắn xe tăng, bắn cháy 2 chiếc, súng vừa hết đạn thì cũng là lúc xe tràn đến vị trí hầm. Mí bị bắt. Thế nhưng, dù bọn Mỹ có đánh đập nhiều lần, đánh gãy hết răng, đánh bị thương ở chân, ở tay, ở bụng, mí vẫn không khai một lời. Hết giam ở khu Quân đoàn 2 của Ngụy, bọn chúng đưa mí tới Nhà lao Pleiku, đến năm 1973 thì được trao trả theo tinh thần Hiệp định Paris”-bà Kpuih Ích hồi tưởng.

Nặng tình với dân nghèo

Hòa bình lập lại, mí Kpuih Ích về làng, nuôi con chờ chồng-người lính trinh sát của mặt trận B3, đang làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Nhưng chồng mí đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt này, cùng bao anh em đồng đội khác. Ngày nhận tin chồng hy sinh, mí đau thắt ruột gan, đêm nào cũng lặng lẽ khóc.
Nhưng mí biết, mình không thể cứ ngồi mà khóc mãi, khi trong tay còn ôm con nhỏ dại, trên vai còn gánh trọng trách của người trưởng dòng họ Kpuih. Mấy chục năm như thế trôi qua, đến khi con gái lớn, đến khi nhà có ít tiền dành dụm thì cũng là lúc mí tính chuyện giúp những gia đình khác còn nghèo khó trong làng.

Năm 1997, khi thấy số đất trong dòng họ rất nhiều, mí tính chuyện chia lại cho tất cả số hộ nghèo trong làng để bà con có thêm đất trồng lúa, trồng rau. Đem chuyện này nói với các anh cán bộ xã, mí nhận được rất nhiều lời động viên và chỉ hướng làm. Với sự trợ giúp về mặt pháp lý của xã và huyện, mí tình nguyện hiến 14 ha đất cho người nghèo trong làng, hộ ít thì 3-5 sào, hộ nhiều lên cả ha.

Theo quy định chung của Nhà nước, sau khi hiến tặng 14 ha đất này, mí được nhận về 40 triệu đồng. Tiền từ UBND xã, mí nhận đủ cả, nhưng khi cầm về đến làng thì lại gọi bà con đến nhà, đồng loạt chia cho tất cả, cho mọi người thêm chút vốn làm ăn. Sau 2 năm-năm 1999, từ số tiền tích góp được, mí đi mua về một chiếc xe công nông. Mí lại họp dân, nói rõ, xe này là xe chung của làng, nhà nào có việc cũng đều sử dụng được, có tiền thì đổ dầu, chưa có tiền thì dùng tiền của mí mua dầu, lúc nào trả lại cũng được. Cả làng mừng vui khi rõ cái bụng mí, càng thêm trọng và nghe theo lời mí, chăm chỉ làm ăn.

Tôi đã gặp rất nhiều gia đình của làng Nú-những gia đình đã vượt qua đói nghèo từ sự giúp đỡ hết lòng của mí Kpuih Ích, từ nhà Kpuih Bum, Siu Brák, Siu Rạng đến Rơmah Goai, Rah Lan Lă, Rơmah Toal…; ai cũng dành cho mí những lời hết sức thân thương. Bà Rơmah Toal cười: “Với bà con dân làng, Kpuih Ích là anh hùng đấy.

 

Nhà mình biết ơn Kpuih Ích nhiều lắm. Nhờ Kpuih Ích mà mình hết nghèo, con cái lại biết nghe lời chăm chỉ làm ăn. Hôm qua mấy đứa con còn được Kpuih Ích cho mượn tiền mua giống cao su đấy…”. Còn nói như ông Nguyễn Hữu Ninh-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Prông thì: “Bà Kpuih Ích là người chiến sĩ cách mạng quả cảm, ngoan cường, bị địch bắt tù đày, nếm đủ đòn tra tấn của kẻ thù nhưng vẫn một lòng kiên trung. Trở về cuộc sống đời thường, bà là người có uy tín với dân làng, hết lòng vì bà con, vì anh em đồng chí đồng đội, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo…”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm