Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Krông Pa: Không để sốt xuất huyết lây lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Krông Pa là một trong những địa phương thường xảy ra sốt xuất huyết (SXH) với số người mắc khá cao, nằm trong số 3 địa phương có tỷ lệ mắc SXH cao nhất toàn tỉnh. Mặc dù năm nào ngành Y tế huyện cũng có kế hoạch phòng-chống nhưng SXH vẫn xuất hiện rải rác.

Cùng kỳ năm 2016, thị trấn Phú Túc là một trong những địa phương bùng phát sốt xuất huyết với hơn 150 người mắc bệnh; hiện trên địa bàn cũng đã xuất hiện một số ca mắc SXH ở các tổ dân phố. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc) có con gái mắc bệnh SXH đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Ông Thanh cho biết, trước đó, thấy con bị sốt, gia đình chỉ nghĩ cháu bị sốt siêu vi nên tự mua thuốc điều trị. “Cháu nó sốt suốt 2 ngày, gia đình cứ nghĩ cháu bị sốt nóng, lạnh bình thường, đến khi đưa vào bệnh viện mới biết bị SXH. Tôi cũng mong bà con cần nhận thức rõ, nếu sốt nóng lạnh thì phải đưa vô bệnh viện ngay chứ không nên tự ý mua thuốc uống, nếu để nặng quá sẽ rất nguy hiểm”-ông Thanh nói.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa tuyên truyền cho người dân về cách phòng-chống SXH. Ảnh: Q.N

Trước tình hình bệnh SXH có dấu hiệu gia tăng, Ban Y tế Dự phòng-Trung tâm Y tế huyện Krông Pa đã tiến hành điều tra và giám sát dịch tễ trên địa bàn thị trấn Phú Túc, đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng-chống SXH ở các tổ dân phố, các khu dân cư có người mắc SXH và những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra dịch. Được tuyên truyền về cách phòng-chống SXH, bà Phan Thị Gở (tổ dân phố 9-thị trấn Phú Túc) cho biết, nhờ vậy mà gia đình bà thường xuyên diệt lăng quăng, những vật dụng chứa nước đọng đều được vệ sinh sạch sẽ; khi đi ngủ bà đều bỏ màn, kể cả ban ngày.

Ông Nay Y Nốt-cán bộ phụ trách công tác phòng-chống SXH, Ban Y tế Dự phòng-Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 51 ca mắc SXH (chỉ sau TP. Pleiku và huyện Đak Pơ), riêng địa bàn thị trấn Phú Túc có 21 trường hợp. “Về mức độ hiểu biết thì một số hộ có nhận thức tốt, nhưng cũng có một số hộ chưa nhận thức đầy đủ về cách phòng-chống SXH. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề truyền thông và đến tận các hộ để hướng dẫn cách phòng SXH như lật úp các dụng cụ chứa nước gồm: lu, sạp, chai, lọ… để bà con nhân dân chủ động cách phòng tránh”-ông Y Nốt nói.

Theo Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, hiện đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức phòng-chống SXH cho cán bộ của Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn làng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp phòng-chống SXH trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân tự giác, phối hợp tốt trong công tác phòng-chống SXH thì vẫn còn một số hộ còn thờ ơ, chưa hiểu đủ, hiểu đúng về SXH. Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa sẽ tiếp tục tuyên truyền, tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất trên toàn địa bàn, không để bệnh lây lan.

Quang Ngọc

Có thể bạn quan tâm