(GLO)- Con sông Ba mùa lũ về hung dữ lạ thường, mặt sông cuồn cuộn đục ngầu trải rộng không thấy bờ. Hơn 20 ngàn người dân 4 xã phía Đông sông Ba mỗi lần có việc đi sang trung tâm huyện Ia Pa chỉ còn một cách là ngồi tròng trành trên chiếc xuồng nhỏ xíu liều mình với con nước dữ.
Thương người làng, thương thầy-cô giáo và người đau yếu mỗi lần qua sông đi bệnh viện... anh Ksor Dan, ở buôn Kdăm 2, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa liền bàn với vợ bỏ tiền dựng cây cầu gỗ mới nối liền đôi bờ sông Ba.
Dựng cầu vượt sông
“Lúc trước ông chú vợ là Kpă Nhin nhà giàu nên có tiền dựng được cầu gỗ vượt sông. Chứ vợ chồng Ksor Dan nhà nghèo nuôi 7 đứa con chưa nổi, lấy gì làm cầu. Người làng nghe chuyện cứ liếc ngang, liếc dọc cười mà chẳng ai tin”-Ksor Dan nhớ lại. Đó là năm 2011, khi ông chú vợ đổ bệnh, cây cầu gỗ của ông bị nước lũ về cuốn trôi ngót 2 năm rồi mà không ai dám bỏ công sức để dựng cầu mới. Đoạn sông Ba này lại không có bến đò. Hơn 20 ngàn người dân 4 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul và Ia Broăi mỗi khi có việc về trung tâm huyện Ia Pa lại phải ngồi tròng trành trên chiếc thuyền nan nhỏ xíu để liều mình với con nước dữ.
Cầu gỗ vượt sông Ba do vợ chồng Ksor Dan-Siu H’My bỏ tiền xây dựng. Ảnh: Đức Phương |
Người Jrai vốn trọng danh dự. Một lời nói ra như đinh đóng vào cột nhà, không thể rút lại được. “Mình đã hứa với dân làng làm cầu rồi giờ không làm được thì mất mặt lắm”-Ksor Dan cho hay. Vậy là anh bán hết 2 sào ruộng nước và 3 con bò, tài sản có giá trị cuối cùng của gia đình để mua gỗ ván, mua đinh và dây cáp chuẩn bị dựng cầu.
Tháng Chạp năm 2011, khi con nước ở sông Ba chảy về yếu dần, trẻ con có thể lội qua sông, phụ nữ phải ra giữa dòng để giặt áo thì người đàn ông vạm vỡ của làng Kdăm 2 cầm cây cọc nhọn chèo thuyền ra chỗ sâu nhất cắm chiếc chân cầu đầu tiên. Lòng sông dù cạn nhưng cát dày tới hàng mét, để có thể cắm cọc gỗ xuống mặt sông vững chắc thì không thể dùng búa đóng từ trên xuống được mà Ksor Dan phải đứng trên thuyền lắc qua lắc lại để chiếc cọc tự cắm sâu xuống cát.
Ròng rã 5 tuần, hàng cọc gỗ làm trụ cầu đã được Dan bền bỉ dựng dày đặc giữa sông Ba. Nhiều người trầm trồ khen “Ksor Dan thế mà giỏi” đã bắt đầu tin về một cây cầu chinh phục sông Ba. Đêm ấy sau cuộc họp làng, các gia đình có con hàng ngày phải ngồi xuồng tròng trành vượt sông Ba sang trung tâm huyện đi học đến nhà Dan xin cùng được... làm cầu. “Họ nói do trước đó thấy sông Ba rộng quá, không tin bắc được cầu. Giờ thấy Dan làm tài quá, khổ quá nên họ góp sức làm cùng”-Ksor Dan kể lại.
Buôn Kdăm 2 như rộn ràng hơn vì mọi nhà cùng chung việc lớn dựng cầu vượt sông. Đêm đêm trên sông Ba đoạn qua buôn Kdăm 2 hàng đèn điện được thắp sáng để thanh niên đóng ván cầu, ban ngày từ sáng đẫm sương đến chiều lạnh buốt người làng vẫn miệt mài để sớm khánh thành cầu.
Tháng 3-2012, chiếc cầu gỗ dài 200 mét của Ksor Dan nối đôi bờ sông Ba từ buôn Kdăm 2 xã Ia Kdăm với buôn Hoăi xã Ia Trôk rốt cuộc cũng hoàn thành, thông xe trước sự trầm trồ thán phục của dân làng.
Làm cầu vì dân, không tính chuyện lời
Con sông Ba cuối mùa khô này chỉ còn lại một lạch nước nhỏ lấp lánh uốn lượn giữa hai bờ cát mịn dài tít tắp. Nhiều đám trẻ nhỏ lội ra khúc sông bóng mát dưới chân cầu gỗ để tránh nắng, bơi đùa. Ksor Dan cùng vợ Siu H’My đứng trên chòi gỗ làm trạm thu phí nơi đầu cầu dõi mắt lên phía thượng nguồn nơi đó chiếc cầu bê tông của Nhà nước xây dựng nối 4 xã phía Đông sông Ba với trung tâm huyện Ia Pa làm mấy năm rồi vẫn chưa xong…
Hàng ngày chi Siu H’My trực trong chòi gỗ nơi đầu cầu làm trạm thu phí phục vụ người dân qua sông. Ảnh: Đức Phương |
Mùa lũ sắp về. Vợ chồng Ksor Dan lại nhẩm tính công cán để chuẩn bị thuê người dỡ hết ván cầu đưa về nhà cất, chờ khi nước rút lại căng dây, trải ván dựng cầu mới. Mà mùa xả lũ sông Ba rất thất thường nên lắm lúc không kịp dỡ ván, hai vợ chồng Ksor Dan chỉ còn biết tiếc nuối đứng nhìn dòng nước hung dữ nhấn chìm cuốn phăng chiếc cầu trôi mất hút. Bốn năm qua phải 3 lần dựng lại cầu. Mỗi lần dựng cầu mất hơn 60 triệu đồng tiền công, tiền mua ván, mua đinh…
Đang miên man suy nghĩ thì có tiếng xe máy chạy xuống bến cầu. Vợ chồng Ksor Dan vội vã quay lại chòi gỗ nơi đầu cầu làm trạm thu phí. “5.000 đồng/lượt cả người và xe máy. Nếu cả đi và về thì 10.000 đồng”-chị Siu H’My cười trong trẻo, nói với người qua cầu giữa trưa nắng gắt.
Tiền thu phí qua cầu mỗi ngày được 300.000 đồng đến 400.000 đồng, phải 7 tháng liền mới hoàn vốn làm cầu. “Mỗi năm mình phải đóng phí cầu cho UBND xã 9 triệu đồng đấy. Tiền thu phí qua cầu gộp lại trừ chi phí này nọ, chỉ còn dư được chút đỉnh góp thêm vào mua gạo nuôi 7 đứa nhỏ thôi, giúp dân qua lại là chính chứ mình không nghĩ sẽ làm giàu có gì đâu”-chị Siu H’My cười hiền.
“Nhờ có cây cầu của vợ chồng Ksor Dan mà người dân đi sang chợ xã Ia Ma Rơn buôn bán được thuận lợi hơn. Khi cây cầu bê tông nối từ cuối xã Ia Kdăm với trung tâm huyện đưa vào sử dụng thì mình nghĩ vẫn còn nhiều người dân tiếp tục chọn cầu gỗ này để đi vì rút ngắn được đoạn đường chừng 5 cây số mà chi phí 5.000 đồng/lượt qua cầu thì chẳng đáng gì”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kdăm-ông Huỳnh Văn Trường nói.
Đức Phương