TN - Đất & Người

Ksor Nai-Hòa giải viên tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Ksor Nai-Trưởng thôn kiêm Tổ trưởngTổ hòa giải làng Pa Ama H’Lắk (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) vừa được ngành Tư pháp tôn vinh là hòa giải viên tiêu biểu cấp tỉnh, giai đoạn 2010-2015. Để nhận được vinh dự này, ông đã nỗ lực phấn đấu trong suốt hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần tích cực xây dựng tình làng nghĩa xóm...

Ảnh: Hoàng Cư

PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT BẰNG SONG NGỮ

Làng Pa Ama H’Lắk hiện có 144 hộ, 657 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Jrai chiếm 99% dân số. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây còn khó khăn. Rất nhiều người chưa biết tiếng Kinh, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Jrai. Sau nhiều lần phối hợp với các cơ quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ông nghiệm ra rằng: Muốn đồng bào dễ hiểu, dễ chấp hành các quy định của pháp luật, xóa bỏ dần dần những tập tục lạc hậu thì phải phổ biến các điều luật thật sự cần thiết với đời sống của đồng bào, thật sự ngắn gọn bằng song ngữ Kinh-Jrai. Đồng bào cần điều luật nào thì phổ biến điều luật đó, tránh tình trạng tuyên truyền trừu tượng, dài dòng.

Từ những ý nghĩ đó, ông đã âm thầm kiên trì học hỏi nói tiếng Kinh. Nói, nghe và viết thông thạo song ngữ Kinh-Jrai, ông tăng cường đi tuyên truyền miệng. Ông thường xuyên lồng ghép các buổi sinh hoạt cộng đồng vào việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi lần tuyên truyền, ông chỉ nói ngắn gọn như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nghiêm cấm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắn thú rừng. Luật Giao thông Đường bộ quy định đi bên phải, ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm... Cứ như vậy, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần hoặc mỗi lần tuyên truyền là một điều luật sát với đời sống địa phương để bà con dễ nhớ và thực hiện. Nhờ vậy mà hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng nâng lên. Ông phấn khởi chia sẻ: “Nói và viết thông thạo song ngữ Kinh-Jrai là như có thêm chiếc chìa khóa để mình hiểu được đời sống văn hóa, tiến bộ của người Kinh, người Jrai. Từ đó, mình học hỏi cách sống, cách làm ăn của người Kinh để giúp bà con dân làng làm ăn giàu có, tiến bộ”.

BẢO VỆ LẼ PHẢI, LOẠI BỎ HỦ TỤC

Cùng sinh ra, lớn lên và ở trong làng, cùng làm ăn và cùng nói tiếng đồng bào (3 cùng) với bà con bản địa, ông đã nghe dân nói và nói cho dân hiểu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức pháp luật cho bà con. Mỗi khi góp ý sửa đổi quy ước hương ước, xây dựng nông thôn mới, ông luôn bảo vệ những điều tiến bộ của luật tục như không phân biệt giữa con chung, con riêng và con nuôi. Đồng thời kiên quyết loại bỏ những quy ước lạc hậu, những hủ tục như trọng nữ hơn nam (theo chế độ mẫu hệ). Đặc biệt là loại bỏ những hủ tục như chôn con theo mẹ. Đây là hủ tục đã gây ra rất nhiều cái chết oan ức đối với những trẻ sơ sinh người Jrai. Theo hủ tục này, mỗi khi người phụ nữ sinh đẻ hoặc chẳng may bị lâm bệnh chết thì trẻ sơ sinh, thậm chí trẻ đã đầy tháng tuổi hoặc 2 tháng tuổi cũng phải chôn sống theo mẹ hoặc bị vứt bỏ ra khu nhà mồ để chết, để cho thú dữ ăn thịt.

Bất chấp những khó khăn của đời thường, ông đã tích cực đi phổ biến pháp luật và tìm hiểu, thuyết phục bà con chấp hành đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không nghe, không làm theo những lời nói của kẻ xấu. Ông luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện các nghĩa vụ của người công dân. Ngay như chuyện kê khai đất đai, làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông đã thực hiện trước tiên để bà con noi gương. Nhiều gia đình không biết kê khai đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất lâm nghiệp, ông đã tích cực hỗ trợ bút mực, tận tình hướng dẫn cụ thể. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, làng Pa Ama H’Lắk luôn được các cấp, các ngành khen thưởng.

Ông cực lực lên án kẻ xấu có những hành vi lừa phỉnh đồng bào và tận tâm giúp đỡ bà con mắc lỗi lầm trở về với dân làng, làm ăn lương thiện. Tin tưởng và cảm kích trước sự giúp đỡ chân tình của ông, nhiều người trót lỡ lầm theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga” đã tự nguyện trở về đoàn tụ với gia đình, với dân làng. Những xích mích, mâu thuẫn trong khu dân cư, ông đã cất công đi hòa giải. Ngày 14-6-2015, dưới sự chứng kiến của chính quyền các địa phương và sự đồng lòng của mọi người, ông chủ trì cuộc họp hội đồng già làng ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) và xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) hòa giải thành công việc Mí Tú (vợ) trả lại vòng cầu hôn cho Ma Tril (chồng), tránh sự phạt vạ nặng nề theo phong tục. Ngày 19-6-2015, ông đã tích cực giải thích, chứng minh cho bà con thấy rõ việc kẻ xấu đặt điều Yă Trang bỏ bùa ngải làm Yă H’Prin bị điên loạn...

Năm nay đã bước sang tuổi 62, nhưng mỗi khi bà con có chuyện cần giải quyết, nhất là những chuyện chẳng lành, ông lại không quản ngại nắng mưa, sớm khuya đi tìm hiểu sự việc và phối hợp với cán bộ các cơ quan khuyên bảo bà con những điều hay lẽ phải để cùng nhau giải quyết thấu tình đạt lý, tránh để sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Thấy ông nói đúng, làm nhiều việc có ích cho dân làng, bà con còn tín nhiệm bầu ông làm già làng của các già làng. Nhiều năm liền, các cấp chính quyền, các ban ngành của tỉnh đã bầu chọn ông là trưởng thôn, hòa giải viên tiêu biểu và trao tặng ông rất nhiều giấy khen, bằng khen.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm