Phóng sự - Ký sự

Kỳ 1: Nỗi đau quá khứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dọc theo con đường chưa đầy 20 cây số từ thị trấn Kbang đến Đak Hlơ là bát ngát những cánh đồng mía xanh thăm thẳm. Thế mà Chủ tịch UBND xã Bùi Phích bảo: “Xã mình chỉ có trên 1.500 ha mía thôi, so với vùng nguyên liệu mía của Kbang thì có thấm vào đâu”. Và câu chuyện về “xã mình” trở nên thân thiện giữa khách và chủ...

Nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập ngày 22-3-1947. Ảnh: Đ.M.P
Nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập ngày 18-3-1947. Ảnh: Đ.M.P

Đak Hlơ là tên gọi của đơn vị hành chính xã sau này, còn thời xa xưa, vùng đất ấy được gọi theo tên một ngôi làng-làng Tân Lập. Chắc là so với những ngôi làng của người Bahnar ở đây, nó “sinh sau đẻ muộn” nên họ đặt tên như vậy. Có thể lắm bởi đấy là một trong những ngôi làng người Kinh đầu tiên hình thành trên vùng Thượng đạo, gồm những người từ Hạ đạo theo nghĩa quân Tây Sơn dựng nghiệp và định cư nơi này. Làng Tân Lập xưa giờ thuộc thôn 6, xã Đak Hlơ. Nói là vậy nhưng khu vực được cho là làng giờ đã không còn một dấu tích nào đáng kể. Chủ tịch UBND xã Bùi Phích đưa tôi ra một cánh đồng mía mênh mông, chen lẫn những rộc ruộng đang mùa gieo sạ. Vài ba lão nông dù đang chăm chú với công việc nhưng thấy chúng tôi (có lẽ là thấy Chủ tịch Phích thì đúng hơn) họ ngẩng chào thân thiện. Anh Phích “vẽ” một vòng tay trên không, bảo: “Đấy, ngày xưa toàn bộ vùng này là làng Tân Lập”. Nhìn vùng đất trù phú như thế này, trong tôi hiện lên một ngôi làng thuở nào với nhà cửa, vườn tược, cây trái và những con người xứ “nẫu” hiền hòa, yêu thương. Thế mà...

Một số tài liệu rất hiếm hoi ghi lại, đầu năm 1947, Ban Chỉ huy Mặt trận An Khê quyết định mở chiến dịch tấn công toàn vùng để giải phóng An Khê khỏi tay giặc Pháp. Chiến dịch này được cả đồng bào Kinh và Bahnar trong vùng ủng hộ tuyệt đối bằng của cải và nhân lực. Sau nhiều lần được sự chỉ đạo của các cán bộ, đảng viên, bà con nông dân đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh với chính quyền thực dân, phá đường giao thông của địch, bao vây uy hiếp các đồn bốt, đặc biệt là đồn Tú Thủy (nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang). Có tài liệu cho rằng do đánh giá không đúng tình hình địch-ta, tưởng thời cơ đã chín muồi nên ta dồn sức bao vây, tấn công trực diện vào đồn Tú Thủy, nơi được coi là có sự phòng thủ vững chắc vào bậc nhất trong khu vực của lính Pháp vào đêm 14-3-1947. Trận đánh này không những không giành được thắng lợi như mong muốn mà còn bị thiệt hại quá lớn về lực lượng. Hậu quả của sự thiệt hại đó đã làm cho phong trào cách mạng thêm nhiều phần khó khăn, nói cách khác là... “tạm lắng” một thời gian không ngắn. Có những lý do cho rằng hoặc ta bị lộ ý đồ, hoặc do hỏa lực của địch quá mạnh?

Câu chuyện bên lề thời ấy mà về sau người viết bài này đôi lần nghe được rằng, người chỉ huy trận đánh nói trên đã tuyên bố công khai ngày, giờ quân cách mạng sẽ tấn công vào đồn và quyết chiến quyết thắng(?). Vì thế mà trước khi trận đánh nổ ra, giặc Pháp đã tăng cường lực lượng và trang bị vũ khí mạnh, cho nên ta không thể chiến thắng là điều không khó hiểu. Dù vậy, quân Pháp vẫn lồng lộn mở nhiều đợt càn quét, bắn giết, bắt bớ nhiều người dân vô tội ở quanh vùng. Đỉnh điểm là rạng sáng 22-3-1947, quân Pháp tập trung lực lượng bao vây làng Tân Lập. 73 gia đình với 368 người dân lành, cả người già, đàn bà, trẻ nhỏ trong tay không một tấc sắt đã ngã xuống dưới làn đạn tàn ác của chúng. Ngôi làng Tân Lập chỉ trong một buổi sáng đã biến thành một nghĩa địa. Sự đau thương, tang tóc bao phủ cả vùng An Khê rộng lớn. Đây là tội ác trời không dung, đất không tha. Thiết nghĩ, người Kbang, người Đak Hlơ, linh hồn của những người đã ngã xuống ở làng Tân Lập xưa có quyền đòi hỏi một sự chịu-trách-nhiệm nghiêm túc từ phía kẻ bại trận-người Pháp lắm chứ?

Chuyện kể về trận tàn sát ở làng Tân Lập ngày ấy của vài ba người may mắn thoát nạn còn sống sót, nghe mà kinh hoàng, rùng rợn, đau xót đến tột cùng mà người viết không thể thuật lại ở đây. Có điều về phía chúng ta, những người đang sống trong hòa bình yên ấm không thể quên, không thể không nhắc đến nỗi đau này. Được biết, trong hội thảo về làng Tân Lập do huyện Kbang tổ chức cách nay hơn 10 năm, những người có trách nhiệm ở hội thảo đã đề nghị tha thiết tận đáy lòng là cần xây dựng tại làng Tân Lập một ngôi đền thờ hương khói cho những người đã khuất để nơi chín suối hương hồn họ được thanh thản, yên nghỉ ngàn thu. Thế mà, cho đến nay, sau ngần ấy năm đằng đẵng, khi tôi về nơi ấy mới đây, cũng chỉ có nhà bia vô cùng khiêm tốn được xây lên trên mảnh vườn của một gia đình, nơi được cho là lính Pháp đã dồn hàng trăm người, chủ yếu là đàn bà và trẻ nhỏ đến và xả súng vào họ, xác người chồng lên nhau và máu loang thấm đỏ cả một khu vườn. Dã man hơn nữa, chúng còn phóng hỏa đốt xác phi tang. Và, con đường từ trụ sở xã đến nhà bia cũng còn gập ghềnh, chồng chềnh lắm. Một việc nên làm hơn thế nữa để xoa dịu nỗi đau của quá khứ là công việc của những người đang sống!

Được biết, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh sau khi nhận được thông tin về chuyện này trên các báo chí trung ương và địa phương đã thân chinh về tận nơi nắm lại tình hình, tìm hiểu sự việc và chỉ đạo các ngành chức năng sớm làm rõ sự kiện có một không hai trên vùng đất Gia Lai thời chống giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương, đất nước, để có những đề xuất giải quyết thích hợp. Thế rồi cũng chỉ có một cuộc hội thảo ở tầm... cấp huyện được tổ chức và mới đây là một nhà bia rất khiêm tốn được xây dựng như đã nói ở trên, rồi đâu lại vào đó. Tháng 3-2017 tới đây đánh dấu 70 năm vụ tàn sát làng Tân Lập. Từ giờ đến đấy, những cơ quan, ban ngành chức năng cũng cần có một việc làm tri ân lắm thay!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm