(GLO)- Có thể nói, chiến thắng huyền thoại Đak Pơ là trận đánh bồi tiếp sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, đã góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương. Đến nay các nhà nghiên cứu quân sự cũng như sử gia của cả 2 phía đều có nhận định giống nhau về chiến thắng Đak Pơ khi cho rằng đây là trận đánh có quy mô, tầm vóc lịch sử và ý nghĩa chiến lược quan trọng, được ví như một “Điện Biên Phủ” ở Liên khu 5.
Trận phục kích đánh giao thông có một không hai
Cách đây không lâu, chúng tôi có gặp ông Lữ Phán-nguyên chiến sĩ Trung đoàn 96 khi ông cùng những cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội. Chuyện trò cùng ông, chúng tôi thêm phần hiểu rõ về những tháng ngày gian khó nhưng hào hùng của những chiến sĩ trong chiến trận Đak Pơ. Trong niềm tự hào khôn tả, ông Lữ Phán tặng chúng tôi cuốn “Những bàn chân không mỏi” do ông làm chủ biên được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007-là tập hợp những bài viết về chiến thắng Đak Pơ.
Những chiến sĩ Đak Pơ vô cùng tự hào khi đọc lại thư khen của Bác. Ảnh: T.H |
Cùng với cuốn sách ông Phán tặng, chúng tôi tìm thêm cuốn “Chiến thắng đường 19 An Khê-Đak Pơ-Liên khu 5 trong chiến dịch Đông Xuân (1953-1954)” do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đak Pơ (năm 2004). Đây là 2 cuốn sách đã tập hợp những bài viết của nhiều tướng lĩnh đã từng tham gia trong trận phục kích Đak Pơ lịch sử và những đánh giá của những nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đầu ngành.
Qua những tư liệu được Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, Trung tướng Khiếu Anh Lân kể lại trong hai tập sách và thông tin từ các cựu binh như ông An, ông Quảng và ông Nguyễn Tự-Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 96 ở Quy Nhơn, cũng như đọc những dòng tư liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, bức tranh về trận đánh năm nào cũng dần được tái hiện. Tháng 6-1954, tại chiến trường An Khê, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 nhận định: Sau 2 tháng bị bao vây và nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ, Binh đoàn 100 của địch sẽ rút bỏ An Khê. Đúng như dự đoán, ngày 23-6-1954, trinh sát ta phát hiện Binh đoàn 42 dãn ra chiếm các điểm cao trên đường 19 đoạn Pleiku-Mang Yang. Đêm 23-6, địch dùng máy bay di tản gia đình binh sĩ, công chức, người Hoa khỏi An Khê.
Theo lệnh của Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Trung đoàn 96, các đại đội 54, 68 của Tiểu đoàn 109 và bộ đội địa phương đặc khu Tân An, An Khê được lệnh triển khai lực lượng chốt chặn đánh địch. Sáng 24-6-1954, địch từ An Khê rút theo đường 19 gồm Binh đoàn cơ động 100, Tiểu đoàn pháo 105, Tiểu đoàn khinh quân 520, Tiểu đoàn địa phương, tiểu đoàn ngụy Campuchia về hướng Pleiku. Lực lượng địch gấp 5 lần lực lượng ta nhưng Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương tiêu diệt toàn bộ.
Trong bài viết “Nghệ thuật lập thế trận trong trận phục kích Đak Pơ của Trung đoàn bộ binh 96”, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Quốc Văn-nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Chiến dịch (Học viện Lục quân Đà Lạt) nhận định: “Trận phục kích Đak Pơ của Trung đoàn bộ binh 96 là một trận phục kích đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất trong những trận phục kích. Những gì mà Trung đoàn 96 đạt được, thực sự là một kỳ tích, một dấu son chói sáng trong nghệ thuật lập thế trận phục kích của quân đội ta”. |
Theo ông An và ông Quảng, việc chuẩn bị cho chiến dịch đã được cấp trên phổ biến từ trước, toàn đơn vị đã sẵn sàng. Đêm 23-6, các ông nhận lệnh hành quân cấp tốc vừa đi vừa chạy từ nơi đóng quân Vĩnh Thạnh (Bình Định) đến địa phận Đak Pơ. Trong tiết trời khô lạnh, cả Trung đoàn cắt rừng để ém quân dọc đường 19 từ cầu Đak Pơ đến đồi dốc Đói để triển khai chiếm lĩnh trận địa phục kích trước khi trời sáng. Lúc này, địch cho máy bay quần đảo thăm dò nhưng không phát hiện được lực lượng của ta. Nghe các trinh sát viên báo về địch từ thị trấn An Khê bắt đầu rút, chúng tôi thêm nóng lòng chờ lệnh khai hỏa.
Đến 12 giờ 30 phút, toàn bộ Binh đoàn GM 100 với gần 400 xe quân sự các loại và gần 4.000 tên địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta trên đoạn đường dài 3 km từ Katung đến Đak Pơ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu hạ lệnh toàn trung đoàn xuất kích. Chiếc xe đi đầu vừa đến dốc Đói đã bị hỏa lực của ta bắn cháy quay ngang giữa dốc, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, cả đoàn xe ùn tắc. Bộ đội Trung đoàn 96 bằng tất cả hỏa lực tập trung tiêu diệt địch, xông lên đánh giáp lá cà.
Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Những tên còn sống sót bỏ lại vũ khí trang-thiết bị, bỏ mặc cho số địch bị thương vong, tàn quân chạy tản mát tháo thân. Ngày 25-6, quân ta truy kích, bắt nhiều tù binh. Trận đánh giao thông trên đường 19-Đak Pơ chỉ trong 7 giờ đồng hồ quân ta toàn thắng. Thừa thắng bộ đội ta phát triển tiến công diệt một bộ phận của Binh đoàn 42, giải phóng thị trấn An Khê, quét sạch địch trên đường 19, triển khai tiến công và bao vây Cheo Reo.
Chiến công mãi mãi còn ghi
Chiến thắng Đak Pơ đã tiêu diệt trên 500 lính Âu-Phi chết và 600 tên bị thương, bắt 800 tên trong đó có Đại tá Barroux và toàn bộ Ban Tham mưu Binh đoàn, về chiến lợi phẩm thu 375 xe các loại, trong đó có 229 bị thương ít và còn nguyên vẹn, 20 đại bác và hàng ngàn súng các loại. Đây còn là kỷ lục đáng tự hào của quân và dân ta trong chiến tranh vệ quốc, vì trong suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa có một trận “giao thông chiến” nào có chiến công như vậy, trong khi lực lượng của ta ít hơn địch đến 5 lần, nhưng chỉ với hơn 7 giờ đồng hồ đã tiêu diệt toàn bộ một Binh đoàn cơ động tinh nhuệ từng “làm mưa làm gió” trên chiến trường Triều Tiên.
Ngay sau chiến thắng Đak Pơ, cán bộ và chiến sĩ Liên khu 5 đã được Bác Hồ gửi thư khen, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội. Thư Bác viết: “Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng Đoàn vừa thắng khá ở An Khê Huân chương kháng chiến hạng nhất”.
Lịch sử của Quân khu 5 đã dành những lời trân trọng nhất, xứng đáng nhất để đánh giá về trận phục kích Đak Pơ: “Trận Đak Pơ tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn cơ động 100 là một trong những trận đánh mẫu mực về mưu trí, anh dũng, về đánh tiêu diệt gọn quân địch. Đak Pơ mãi mãi là một trong những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh rất nhiều những trận đánh đạt hiệu suất cao của quân đội ta, trận đánh tiêu diệt ở Đak Pơ thực sự là một trận đánh được trân trọng và ghi nhớ”.
Chiến thắng Đak Pơ đã tạc vào lịch sử của dân tộc như một dấu son, mãi mãi khắc ghi. Đó là một sự thật lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của quân đội, của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng.
Thượng tướng Nguyễn Minh Châu từng viết, để có chiến thắng trên chiến trường Bắc Tây Nguyên và Liên khu 5 mà đỉnh cao là trận Đak Pơ còn có sự đóng góp của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong hỏa tuyến... đã chuẩn bị đầy đủ cho chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Bởi thế, nói chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Pháp thì chiến thắng Đak Pơ là một trận “Điện Biên Phủ thứ 2” trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Quốc Ninh-Thu Huế