Kinh tế

Kỳ 2: Nông thôn Gia Lai, những vấn đề nhìn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV hồi trung tuần tháng 7-2011 vừa qua, đã nhận định: “…những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã nghiên cứu vận dụng, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, chương trình của tỉnh để triển khai sâu rộng, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, tạo sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện trong nhận thức và hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…”.

Đó là sự nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một chủ trương lớn của Đảng trong thời gian qua nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống của người nông dân ổn định và ngày càng nâng cao. Tuy nhiên trong quá trình đó, Gia Lai gặp không ít khó khăn, bất lợi bởi đặc điểm và thực trạng tình hình “tam nông” của tỉnh có những nét khá đặc thù so với những vùng khác.

Ảnh: Bích Hà
Sau chiến tranh kết thúc năm 1975, nền nông nghiệp Gia Lai vẫn trong tình trạng manh mún, sản xuất vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp, du canh, độc canh và hình thức “phát-đốt-chọc-trỉa” vẫn đang tồn tại; nông thôn phần lớn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vừa thoát ra khỏi chiến tranh chưa được định canh định cư; nông dân vẫn trong tình trạng thiếu đói, đặc biệt còn nhiều vùng thiếu đói kinh niên. Một bộ phận nông dân và nông thôn vùng người Kinh (trước ngày giải phóng, chủ yếu là vùng địch tạm chiếm), ở đó sự hình thành làng, thôn khá đa dạng.

Một bộ phận trong quá trình di cư từ đồng bằng Duyên hải lên tìm kế sinh nhai rồi định cư làm ăn sinh sống, những bộ phận khác đến vùng đất này bằng những con đường khác nhau như: Giao thương mua bán, lánh nạn, theo các đoàn quân khởi nghĩa, đi làm phu cho các đồn điền người Pháp, một bộ phận là cơ sở Cách mạng được tổ chức bố trí đi “ba cùng” với dân các dinh điền thời chế độ Ngô Đình Diệm…; và sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương điều chỉnh, phân bố lại dân cư, lao động của Đảng, vì vậy sự đa dạng ở nông thôn và nông dân tại các cụm dân cư không chỉ trong kinh nghiệm làm ăn mà còn đa dạng, giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền; bởi thế trong những chủ trương lớn của tỉnh được đề ra thời kỳ sau năm 1975 cũng đã nhìn nhận đến đặc điểm này.

Ảnh: Bích Hà
Đó là tập trung lãnh đạo việc khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất, cứu đói cho nông dân đồng thời tích cực cải tạo nông nghiệp, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên cho vùng căn cứ, vùng sâu, vùng xa; đi đôi với đó là lo ổn định tình hình nông thôn vùng vừa được giải phóng. Tuyên truyền giáo dục, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, từ đó vượt qua các khó khăn, tạo dựng cuộc sống cho chính mình.

Cho đến nay, nền nông nghiệp, tình hình nông thôn và nông dân Gia Lai tuy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như vấn đề quy hoạch, xây dựng, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đầu tư xây dựng và khai thác các kết cấu hạ tầng sản xuất và dân sinh xã hội khu vực nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nông dân chưa được cải thiện nhiều… nhưng đánh giá một cách khách quan thì “tam nông” của Gia Lai đã có những bước tiến dài, nhất là trong giai đoạn triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mà đặc biệt là hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ.

Với một đặc điểm khởi đầu đi lên của nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân như nói trên mà trong những năm qua Gia Lai đã đạt được những thành tựu như ghi nhận của Tỉnh ủy là một sự cố gắng vượt bậc của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Trong tổng số gần 1,6 triệu ha đất tự nhiên của tỉnh, có gần 1,4 triệu ha thuộc nhóm đất nông nghiệp và 70% trong tổng số gần 1,3 triệu dân là những người sinh sống ở nông thôn; 45,85% là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình khá phức tạp, thời tiết khí hậu có tính đặc thù-hai mùa trong năm và… 4 mùa trong ngày, vì vậy lựa chọn phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ cho nông dân bằng cách nào cho hiệu quả là việc làm cần đảm bảo khoa học và phù hợp thực tiễn.

Hiện Gia Lai đã có những vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nguyên liệu dài và ngắn ngày có giá trị cao như: Cao su, cà phê, điều, hồ tiêu; cây mía, bông vải, mì, bắp… và diện tích cây lúa nước hai vụ ngày một tăng lên; nhiều cơ sở chế biến nông-lâm sản được đầu tư xây dựng và đã gần như lấp đầy tại các khu- cụm công nghiệp; ngành chăn nuôi và lâm nghiệp cũng phát triển đi vào chiều sâu, theo hướng thị trường. Hạ tầng sản xuất và dịch vụ- xã hội được quan tâm đầu tư trở thành những vùng, cụm dân cư theo mô hình định canh- định cư trù phú, no ấm. Hộ đói nghèo giảm dần qua hàng năm, hộ giàu ngày càng nhiều, theo đó đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Dân chủ ở cơ sở được phát huy, tự do tín ngưỡng được đảm bảo…

Người viết bài này đã từng đến nhiều xã trong tỉnh vào những năm khác nhau, chứng kiến sự thay đổi vươn lên nhanh chóng ở đó như một Ia Blang ở Chư Sê; Ia Vê-Chư Prông; A Dơk-Đak Đoa; tận vùng xa xôi hẻo lánh Kon Pne-Kbang, Ia Dom-Đức Cơ… mà thấy thật yên lòng và tin tưởng vào sự xác định chủ trương đúng, đề ra biện pháp tổ chức thực hiện tốt và từ đó động viên cả hệ thống chính trị dồn sức chăm lo cho công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá, làm cho nền sản xuất nông nghiệp trở nên bền vững, cho nông dân no ấm và cho bộ mặt nông thôn không ngừng thay đổi để thật sự xứng đáng “… ở đó là nơi có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước…”- Nghị quyết 26 của Trung ương khẳng định!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm