Ít ai biết ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, những người thợ điện phải treo mình dưới giá tuyết để sửa chữa đường dây điện đóng đầy băng đá.
Nhân viên điện lực Điện Biên đấu nối điện trong nhà cho người dân vùng cao |
Những dây điện bằng ngón tay út khi đóng băng to bằng bắp tay. Thêm nữa, thợ điện phải làm thêm công tác dân vận với đồng bào...
Những ngày băng giá
Dịp cuối năm, những căn nhà sàn của người Thái nằm vắt vẻo trên non cao của bản Mường Pồn (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) co ro trong giá rét. Những đứa trẻ tụm năm, tụm bảy bên bếp lửa sưởi ấm lúc đứng trưa.
Ông Trần Văn Long-Giám đốc Điện lực huyện Điện Biên, đang cùng các thợ điện trực tiếp sửa chữa những dao cách ly đường dây 35kV để cung cấp điện cho các huyện vùng biên giới.
Ông Long bảo hơn 30 năm lăn lộn trong ngành điện ở vùng biên giới xa như Điện Biên chưa có vui buồn, cực nhọc nào mà ông chưa nếm thử.
“Mỗi lần công tác là xa nhà biền biệt, chúng tôi phải về các bản làng cùng ăn, cùng ở với dân thì mới thi công được. Có hôm phải ăn lá sắn chấm muối với bà con người Mông vì trên núi cao không thể nào tiếp tế lương thực được” - ông nói.
“Bà con kéo dây điện mà hát vui như kéo pháo. Nói thật người dân mà không ủng hộ thì rất khó thành công, dù làm bất cứ việc gì ở miền biên giới xa xôi này". Ông Trần Văn Long |
Có những bản làng xa xôi bao đời nay chẳng biết ánh điện là gì, hôm điện kéo về bản xong cả làng kéo nhau chặn xe chở các công nhân.
Người dân bản bảo phải ở lại uống rượu ngô và ăn món “khẩu mắn co” thì họ mới chịu. “Khẩu mắn co” chỉ là cơm dẻo trộn cùng lá sắn, một con cá suối nhỏ như ngón tay giã nhuyễn trong bát, nhưng đó là tất cả ân tình của đồng bào vùng cao Tây Bắc.
“Mình phải ở lại cùng chia sẻ thì bà con mới giúp mình. Ở nơi xa xôi này có một sự cố nào trên đường dây thì bà con là người báo tin để mình kịp thời khắc phục” - ông Long tâm sự.
Cuối tháng 1-2016, vùng Tây Bắc hàng tháng trời chìm trong màn sương. Ngày 24 đến 28-1, toàn vùng núi huyện Điện Biên cúp điện.
Một sự cố hi hữu chưa từng biết đến trong lịch sử ngành điện là tất cả các đường dây điện phủ đầy băng đá khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ.
Những dây điện 35kV bình thường to bằng ngón tay nay đóng băng đá to như bắp tay và kéo đường dây điện dài sà xuống thấp.
Tại khu vực xã Dung, giáp huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên Đông, những đường dây 35kV gãy đổ, thậm chí bị kéo đứt vì gió tuyết. Có những cột điện to bị gió quật gãy ngang và văng ra xa đến vài chục mét.
Thông tin đường dây điện bị đóng băng đá ngã đổ tức tốc bay về lãnh đạo điện lực tỉnh và Tập đoàn Điện lực VN, nhiều người cứ tưởng chuyện đó chỉ có ở Âu, Mỹ.
Đường dây điện 35kV ở huyện Điện Biên bị đóng băng đá nên gãy đỗ hàng loạt gây mất điện hồi tháng 1-2016 |
Ông Lê Ngọc Tuấn-Giám đốc Điện lực huyện Tuần Giáo, nhớ lại: “Anh em leo lên tận nơi thì không tin vào mắt mình. Những cành cây trắng xóa, băng giá đóng cứng mọi thứ, từ cành cây đến ngọn cỏ trĩu xuống sát đất.
Trên những mái nhà của đồng bào băng đóng dày đến vài chục phân. Gió thổi vùn vụt trong màn sương lạnh đến cắt thịt”.
Để có điện cho bà con sau những ngày rét, tất cả đường dây, cột điện đã bị đứt, gãy phải thay mới hoàn toàn.
Điện lực tỉnh Điện Biên phải tăng cường về các huyện khắc phục sự cố. Những cây cột điện tức tốc kéo lên đỉnh đèo và công nhân thay nhau thi công xuyên đêm để khắc phục sự cố.
“Không bộ áo quần bảo hộ, găng tay nào có thể giữ ấm được trong cái rét khủng khiếp ấy. Chúng tôi phải đốt củi để sưởi ấm thi công. Tay chân gần như đông cứng không thể cầm được khóa mà vặn, nhưng nhiệm vụ thì phải hoàn thành”-ông Tuấn kể.
Thợ dân vận bất đắc dĩ
Ở Điện Biên lúc chưa chia tách tỉnh với Lai Châu có đến 21 dân tộc thiểu số, chiếm số đông vẫn là người Thái và người Mông.
Những vùng phức tạp và đầy nhạy cảm như Mường Nhé và Na Ư, người thợ điện phải tận tụy như một người làm dân vận.
Khi chia tách tỉnh, Điện Biên còn lại 19 dân tộc, mỗi dân tộc một tập quán, tập tục và văn hóa khác nhau nên khi đến các vùng cao công tác thì người thợ điện phải biết để ứng xử.
“Tôi dặn dò anh em khi đến làm việc, đầu tiên là phải chân thành và tử tế. Khi kéo điện xong, đóng điện thắp sáng, phải ở lại hướng dẫn bà con cách sử dụng điện, các thiết bị cho an toàn, tiết kiệm” - ông Trần Văn Long nói.
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 87% hộ dân đã có điện, 100% điện lưới đã kéo về đến huyện, xã, tuy nhiên vẫn còn 300 thôn, bản chưa thể kéo điện lưới. Ông Hay nhẩm tính phải đến năm 2020 ngành điện mới phủ khắp các thôn bản này nhưng suất đầu tư là rất lớn. “Địa hình ở đây trên 80% là dốc, núi cao, sông suối. Chưa kể các vành đai biên giới giáp Lào, Trung Quốc nên mọi thứ rất khó khăn. Tôi nghĩ đến những phương án dùng các nguồn năng lượng khác như điện gió, năng lượng mặt trời để thay thế điện lưới quốc gia cho những vùng dân cư này, nhưng đó là ở thì tương lai” - ông Hay chia sẻ. |
Ông Long kể có những đường dây điện vượt qua đèo cao, suối sâu, dốc dựng đứng, các phương tiện máy móc không thể kéo dây được và tất cả lại nhờ đến sức dân, đồng bào.
Ở bản cao như Nậm Ngắn, dân làng cắt cử mỗi gia đình một người dân tham gia kéo đường dây, tích tắc có cả 100 người ra tham gia giúp sức và đường dây nhanh chóng hoàn thành.
“Bà con kéo dây điện mà hát vui như kéo pháo. Nói thật người dân mà không ủng hộ thì rất khó thành công, dù làm bất cứ việc gì ở miền biên giới xa xôi này”-ông Long chia sẻ.
Có những vùng dân cư thưa thớt như huyện Mường Nhé hay ở tít tận ngã ba biên giới (Việt - Trung - Lào) A Pa Chải, để kéo điện cho 18 hộ dân nhưng ngành điện phải tốn 10km đường dây.
Chưa hết, gần đây chủ trương của ngành điện là đưa điện thắp sáng đến tận nhà dân. Mỗi hộ dân ít nhất phải có một bóng điện trong nhà để thắp sáng.
“Thật lòng mà nói khi đầu tư điện cho bà con vùng cao, biên giới không thể hạch toán chuyện kinh doanh lãi, lỗ. Bởi đa số bà con chỉ dùng thắp sáng là chủ yếu nên khi anh em đi thu tiền điện thì số tiền thu được còn thua tiền công tác cho chuyến đi”-ông Lê Văn Hay-Giám đốc Điện lực tỉnh Điện Biên, cho biết.
Ông Hay kể rằng có những chuyện cười ra nước mắt khi cuối tháng anh em đến thu tiền điện, bà con mang sắn, khoai, bắp, lúa, có khi là trứng gà, củi ra... để trả thay tiền điện.
“Để thu được đồng tiền điện hoặc khắc phục sự cố ở vùng cao này, mỗi người thợ có tháng phải đi hết 1.700 km đường bộ, gần bằng chiều dài đất nước.
Có những vùng nằm tít trong lòng hồ, thợ điện phải đi bằng xuồng mới thu được tiền điện. Và khi chèo thuyền đến nơi thì bà con đi rẫy không về, ở nhà chỉ có trẻ con, lại chờ đợi.
Cả tỉnh Điện Biên dùng điện một năm đúng bằng TP. Hà Nội dùng điện một ngày, nhưng không thể không đầu tư vì điện đến đâu sẽ nâng cao dân trí bà con đến đó”-ông Hay nói.
Theo Tuoitre