TN - Đất & Người

Kỳ 3: "Nằm ngửa thấy Trần Kiên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lại nói tiếp về cái ngã tư Võ Thị Sáu-Lê Hồng Phong. Đôi khi sự im lặng của ai đó cũng làm chột dạ người khác, những lan man thầm dẫn tôi về quá khứ đã làm chột dạ anh bạn cà phê sáng cùng bàn, anh muốn nghe tiếp chuyện trước kia mà tôi đã kể dở, còn tôi lại chỉ im lặng ngẩn ngơ về một điều mà chắc là anh không thể đoán được. Là vầy...

Ảnh: Đức Thụy

Cho dù có “đổi mới”, nhưng những căn nhà phía bên trong cái bốt gác ngày xưa giờ vẫn kiên trì giữ lại cho mình vóc dáng cũ. Hẳn bạn đã từng nghe một thời người ta bảo “nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười”, ý muốn chỉ những cán bộ cấp cao liêm khiết, trong sạch, có cuộc sống giản dị một thời, thì với tôi, bác Trần Kiên là con người quả đúng như vậy. Một trong những căn nhà vừa nói đến phía bên trong cái bốt gác xưa là nơi có thời gian mấy năm gia đình bác Kiên ở đó. Ngoài chuyện của Bí thư ra (sau giải phóng bác Trần Kiên là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum), thời gian còn lại ông cùng với cô nhà chăm sóc căn hộ của mình thật tỉ mỉ. Một đêm ông nghe có tiếng động bên ngoài, chăm chú để ý, ông thấy bọn trẻ chúng tôi vặt mấy quả xoài non bên hiên nhà, ông lặng lẽ chẳng nói một câu. Tưởng chuyện “bí mật đã được bí mật”, té ra, giữa giờ làm việc hôm sau, ông nhỏ nhẹ bảo với tôi, “các cháu ạ, mấy quả xoài còn non, các cháu chịu thèm một thời gian nó già, chín, cô chú sẽ hái cho, tối hồi hôm chú thấy “kẻ trộm” rồi đó nghe”.

Dọc theo con đường Lê Hồng Phong khi ấy cây trái thật nhiều, phố mà cứ như vườn ở quê, phía trước nhà nào cũng có mấy cây bơ, vài cây mít, ít cây xoài, chuối, giàn su su, cà, mướp... Có hồ, bể, phuy chứa nước dùng cho sinh hoạt, cả cho việc tưới cây, trồng lang, nuôi heo, gà, ngan, vịt. Cuối giờ làm, người người tăng gia sản xuất, tăng thêm chút thu nhập bù cho những bữa ăn chỉ dựa vào cửa hàng mậu dịch cung cấp chẳng thấm vào đâu. Nhà bác Kiên ở cũng vậy, ngoài xoài ra, còn có một cây đào xứ Bắc, quả khi chín nhìn thấy là thèm.

...Một lần tháp tùng cùng ông khi ông đã là Bí thư Trung ương Đảng xuống mấy huyện, thị xã phía Bắc tỉnh, xong việc ở thị xã Kon Tum sớm hơn thời gian dự định, hay tin mấy anh chị bên Thị ủy đã làm cơm sẵn, ông bảo chưa hết giờ nhà nước mà đã ăn thì không nên và ông đã giục chúng tôi đi sang Đak Tô. Trên đường thỉnh thoảng có vài ba nữ “con buôn” vẫy nón đón xe chúng tôi. Hồi ấy đường cho dù cũng không tốt mấy nhưng được cái người và xe lưu thông ít, lại chẳng có cảnh sát, thanh tra, không ai cân ai bắn nên xe chúng tôi cứ thế mà thẳng tiến... Đến nơi, bụng đói meo, tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của mấy anh em bị bụng dạ rên la gọi réo. Như hiểu điều đó, ông bảo không làm phiền thiên hạ, mấy chú cháu tìm một quán cơm nhỏ bên đường “giải quyết”. Mấy bát cơm với mấy thứ linh tinh theo cơm được bà chủ quán đem ra. Sự mừng chưa kịp hiện hữu của mấy chàng háu ăn, ông nghiêm sắc mặt, bảo với anh tài xế và tôi (tôi và anh tài xế Nguyễn Văn Thôn, lái xe riêng cho Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn hay cùng đi xe này)... “Chúng bay hay dùng xe của Bí thư chở con buôn. Con buôn quá quen xe này rồi, đi chặp chúng nó lại vẫy”. Anh Thôn giật mình, có vẻ lo lắng, chẳng hiểu sao ông ấy lại nói thế trong khi tôi đã thấy ông quay sang chỗ khác mà cười mỉm, và một trận cười làm tan cái đói trong đám trẻ chúng tôi khi đã hiểu ông nói đùa về chuyện “con buôn” đón xe. Mấy chú cháu, lãnh đạo và nhân viên giúp việc mà cứ như người cùng trang lứa, tính ông vẫn hài hước lắm.

Còn nhớ hồi ông khăn gói rời Hà Nội về Quảng Ngãi sau khi đã nghỉ hưu, tôi có ghé thăm nhà. Căn nhà nhỏ, hẹp bề ngang xây theo kiểu “ống” mặc dù nó nằm ở ngoại ô thành phố Quảng Ngãi (hồi đó còn là thị xã). Nhà cửa bề bộn, toàn giấy tờ sách vở, báo chí cũ có mới có. Tuy đất chật, ông vẫn để một khoảnh nhỏ làm vườn. Ông hỏi tôi, liệu đất ấy có trồng được cà phê. Nhìn qua, tôi bảo được. Mặc dù có vẻ như ngờ vực, nhưng ông vẫn bảo “thế là tốt, tao sẽ trồng mấy cây cà phê cho đỡ nhớ trên ấy”. Thấy ông ra vẻ nghiêm túc và xúc động khi nói đến “đỡ nhớ trên ấy”, tôi không dám đùa lâu hơn, tôi bảo, trồng cà phê được nhưng mà chú đào hố sâu, đổ xi-măng hoặc lót tôn bên dưới trước khi cho phân và xuống giống. Tưởng ông bực mình, hóa ra ông lại bảo, “mày lại đùa với tao hả”. Là thế này, cây cà phê không chịu đất phèn và thường xuyên đọng nước, rễ cà phê gặp nước sẽ úng mà chết.

Còn đôi chuyện vui vui trong ngàn vạn chuyện về bác Trần Kiên qua các thời kỳ mà tôi thấy cũng nên gởi đến mọi người; đó là, một hôm khi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, ông giận lắm về chuyện một vị phó chủ tịch huyện nọ đã thất hứa với ông về chuyện “trả công” cho ông khi mà ông đã giúp cho huyện nọ có được một chiếc xe u-oát mới cứng bằng cách cho không mấy ngàn cây giống tiêu, cà phê cho bà con huyện nghèo Đak Glei mà không cho, chỉ bán với giá rẻ. Trong khi làm việc, không một ai có ý kiến gì; là thư ký buổi làm việc, ngồi bên ông, tôi nói nhỏ: “Thưa chú, anh ấy làm vậy cũng không sai, vì giờ (năm 1988) là thị trường rồi, mà anh ấy cũng chỉ lấy vốn, có tính lời đâu”. Thế là bác Kiên đứng phắt dậy, đập rầm một cái xuống mặt bàn làm vung cả mấy tách trà, may mà kính quá dày nên không vỡ nếu không tay ông chắc là nguy hiểm, ông quay ngoắt sang phía Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn- “Thằng này phản động, cùng một ruộc với thằng... (là anh phó chủ tịch huyện nọ), gì cũng tiền, hở cái là tiền, là thị trường, tiền và thị trường làm mất hết tình người, mất hết bạn bè, đồng chí rồi... Ông Sỹ (Ksor Krơn) dùng người sai rồi, nuôi ong tay áo rồi...”. Cơn giận của ông chỉ chốc lát là tan, lúc giải lao, ông vỗ vai tôi bảo, chú nóng quá phải không, tiền đúng là quan trọng nhưng lớp trẻ các cháu cũng nên nghĩ chuyện tình, cái tình mới bền vững cháu ạ.

Vài năm trước đó, lại cũng một chuyện... vui, là trong chuyến công tác trước ông giao 2 việc có liên quan đến giao thông và bưu chính, mấy tháng sau ông vào và hỏi Bí thư Sỹ, việc đã đến đâu rồi, (theo bác Kiên thì “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”) trong buổi làm việc nghiêm túc ấy, Bí thư thưa rằng-thì-là... chưa xong, ông già “nằm ngửa” nổi trận lôi đình, bảo gọi hai người ấy lên thu thẻ đảng viên đi; Bí thư Sỹ thưa “dạ hai người này không có thẻ đảng viên vì cả hai không phải là đảng viên”, ông già “nằm ngửa” bảo đúng đúng, không nên kết nạp những người ý thức chấp hành tổ chức kém như vậy vào Đảng.     

Mấy ngày hạ tuần tháng Tám năm trước, nằm trong trọng điểm của mùa mưa nên Pleiku không mấy khi có ánh mặt trời, và vì thế mà những hàng quán dọc đường Lê Hồng Phong cũng khá thưa khách, sáng trưa chiều tối cũng thế. Thi thoảng vào những “giờ vàng” có mấy bạn trai trẻ áp vào Pleiku’s Ngon trên số nhà 33 nhưng cũng tỏ ra không “khí thế” mấy, có lẽ bạn bè hay đối tác làm ăn, ký kết hợp đồng trao đổi gì đó nên mới kém vui, kém hấp dẫn như những khi khác. Nhìn qua dãy nhà phía trong bốt gác xưa như có gì ấy gợi lại trong tôi một chút chạnh lòng khó nói. Nơi ấy, từ ấy những con người như bác Trần Kiên đã một thời ở đó, bao kỷ niệm buồn vui tôi được ông chia sẻ, giờ ông đã ra đi vĩnh viễn.

Bích Hà

---------------------
Kỳ tới: Chuyện vui vui giờ mới kể.

Có thể bạn quan tâm