Đô thị

Kỳ cuối: Cần chủ động trong công tác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên thực tế, việc nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ nhằm nâng cao tuổi thọ các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là yêu cầu bức thiết. Điều này đòi hỏi sự chủ động và trách nhiệm từ phía đội ngũ làm công tác quản lý cũng như ý thức người dân địa phương.

Hoàn thiện quy hoạch

Trong giai đoạn 2013-2017, một số công trình giao thông chưa tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng; một số chủ đầu tư thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm; công tác lập dự án còn nhiều hạn chế phải điều chỉnh bổ sung kéo dài thời gian thực hiện. Một số quy hoạch của địa phương chưa có sự thống nhất về quy mô đầu tư, do đó khi đầu tư các tuyến đường đi qua nhiều địa phận hành chính thì mỗi quy hoạch có quy mô khác nhau. Quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án chưa rõ về hướng tuyến và các điểm khống chế khiến đơn vị thẩm định gặp vướng mắc khi đánh giá sự phù hợp của chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định. Việc đầu tư mang tính chắp vá dẫn đến trên một số tuyến đường không đồng nhất về chất lượng, không phát huy hiệu quả.

 
Công trình đường vào Cảng Hàng không Pleiku đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: L.L

Nguồn vốn đầu tư ít đã gây khó khăn trong việc xác định quy mô đầu tư của các dự án. Bên cạnh đó, các thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư công trình và quản lý chất lượng công trình khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, chồng chéo về thẩm quyền, quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ và các điều kiện trong công tác quản lý dự án, thẩm định thiết kế xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình. Các thủ tục đầu tư kéo dài trong khi giá vật liệu, nhân công biến động liên tục dẫn đến việc phải điều chỉnh dự toán, thiết kế cho phù hợp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

“Nhằm đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đạt hiệu quả, khắc phục những hạn chế, tồn tại và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Sở Giao thông-Vận tải đang triển khai dự án “Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017”-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết.

Cần sự chủ động từ cơ sở

Với công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra giám sát các dự án, qua đó chấn chỉnh kịp thời công tác phân bổ vốn kế hoạch trung hạn. Các sở, ngành có liên quan cũng tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình trong công tác này. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc đảm bảo chất lượng công trình và việc quản lý sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chính là từ các địa phương và người dân. Thực tế, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo trì, duy tu, sửa chữa công trình giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Nhiều tuyến đường 2 bên lề bị sạt lở, xói mòn, không có lưới chắn rác, không thường xuyên dọn vệ sinh, một số vị trí tiếp giáp mặt đường và đan rãnh chưa đảm bảo thoát nước gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tuổi thọ công trình. Rất nhiều công trình mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp như đường liên xã Ia Drăng-Ia O (đoạn sửa chữa năm 2014), tỉnh lộ 665 đoạn từ xã Ia Tôr đi xã Ia Băng (huyện Chư Prông); đường Đak Sơ Mei đi xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), tỉnh lộ 667 đi xã Yang Nam, đường Trường Sơn Đông đi xã Chư Krey, đường đi xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro)…

Theo ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, do không có chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình giao thông đã đưa vào sử dụng nên các công trình này dễ dàng xuống cấp ngay sau đó. Để khắc phục vấn đề này, các địa phương cần có giải pháp trong việc duy tu, bảo dưỡng. “Vì huyện nào cũng có đội công trình đô thị, nên khoán cho đội công trình đô thị làm công tác duy tu, bảo dưỡng để vừa tận dụng được nguồn nhân lực, vừa để giảm chi phí… Có như vậy, việc đầu tư mới đạt hiệu quả, đảm bảo giao thông thông suốt”-ông Vũ Tiến Anh nêu ý kiến.

 

Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Giám đốc Sở Xây dựng: “Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý cấp huyện chưa đạt yêu cầu. Các địa phương cần coi trọng hơn vấn đề “đầu vào”. Lâu nay, sự đầu tư đồng bộ nguồn lực của huyện hạn chế dẫn tới hạn chế trong việc quản lý”.

Thời gian tới, nguồn vốn dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng có thể sẽ được cải thiện khi tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đã yêu cầu Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra và tổng hợp lại khối lượng cần duy tu, bảo dưỡng, đề xuất lên UBND tỉnh nhằm bổ sung kinh phí thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân, xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, tâm huyết, sâu sát và có trách nhiệm để tăng cường công tác quản lý công trình sau xây dựng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, so với các tỉnh trong khu vực, Gia Lai là địa phương làm rất tốt việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Do vậy, các địa phương phải nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, quản lý, bố trí vốn dự phòng từ những nguồn hợp lý để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng kịp thời nhằm nâng cao tuổi thọ các tuyến đường.

Nhóm phóng viên kinh tế

Có thể bạn quan tâm