Kinh tế

Kỳ cuối: Để du lịch "cất cánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch cộng đồng đã tạo nên thế mạnh và đặc trưng của Gia Lai. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột kinh tế, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch, tăng cường xúc tiến đầu tư cũng như liên kết với các địa phương khác để cùng phát triển.
Tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện
Những năm gần đây, ngành du lịch thực sự được chú trọng, thể hiện qua hàng loạt sự kiện mang tính thường niên như: lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội Cầu huê vào ngày mùng 4 tháng Giêng Âm lịch hàng năm; lễ hội dâu da đỏ (thị xã An Khê); lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); ngày hội hoa muồng vàng (huyện Chư Prông); tuần lễ cỏ hồng và hội chợ nông sản an toàn (huyện Đak Đoa)...
Bên cạnh lễ hội, một số sự kiện có quy mô lớn nhằm xây dựng điểm đến Gia Lai cũng đã được tổ chức như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III; các danh lam, thắng cảnh như: Biển Hồ, thác Phú Cường, thác 50, thác 40 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng), thác Ba Tầng, đỉnh Đá Trắng (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) được quảng bá rộng rãi hơn. Những di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia gồm: Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stơr, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và các địa danh lịch sử như: Đak Pơ, An Khê, Plei Me, thung lũng Ia Drăng… cũng được đưa vào chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.  
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai). Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Giai đoạn 2017-2019, tỉnh ta dành 140 tỷ đồng đầu tư hạ tầng du lịch, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác trước mắt cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư như: Biển Hồ, Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi lửa Chư Đang Ya, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh...
Nhờ đó, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch đạt 22,7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20,9%/năm. Riêng năm 2019 đã có 845.000 lượt khách đến Gia Lai, trong đó, khách nội địa là 830.000 lượt, khách quốc tế là 15.000 lượt, tổng doanh thu của hoạt động du lịch là 510 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-đánh giá: “Công tác phát triển du lịch của tỉnh dần đi vào chiều sâu, bằng cách chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, đổi mới công tác quảng bá du lịch, tổ chức nhiều lễ hội và sự kiện để xây dựng hình ảnh điểm đến Gia Lai. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn để phát triển du lịch”. 
Một trong những hoạt động giúp du lịch tạo nên chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đó là thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều dự án quan trọng đã được các nhà đầu tư đăng ký như: sân golf Đak Đoa, Khu du lịch văn hóa cồng chiêng đồi thông Ia Dêr (Công ty cổ phần Tập đoàn FLC), Tổ hợp dịch vụ Vinfast (Tập đoàn Vingroup), Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly (Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Ia Ly), Khu du lịch thác Mơ (Công ty Gia Lai CTC)…
Cần có chiến lược đột phá
Dự thảo kế hoạch phát triển du lịch Gia Lai giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 16,8%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,6%. Để đạt được các chỉ tiêu này, Gia Lai cần có những chiến lược mang tính đột phá. “Sự đột phá đó là chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định. 
Sự vào cuộc của các doanh nghiệp tư nhân bằng việc đăng ký đầu tư hàng loạt dự án du lịch như: dự án sân golf Đak Đoa do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường do Công ty cổ phần Phú Hưng Thịnh Gia Lai làm chủ đầu tư, dự án Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy đang được Công ty cổ phần Du lịch Xuân Thủy thực hiện… hứa hẹn sẽ là những sản phẩm du lịch “hái ra tiền”. Tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khai thác loại hình du lịch sinh thái này với các dự án Khu du lịch hồ Ia Băng, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly, dự án Làng hồ thủy điện Sê San 4-thác Mơ, đồi thông Hà Tam… 
Đồi cỏ hồng (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Huỳnh Bảo
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh về định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo đã nhấn mạnh: “Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có những chiến lược rõ ràng hơn để thu hút khách du lịch, phải có những sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng để du khách phải rút hầu bao”.
Định hướng này cũng trùng hợp với một trong những giải pháp để phát triển du lịch được đưa ra trong dự thảo kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 là sẽ dần dần hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên cơ sở lợi thế tiềm năng về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, kết hợp với Chương trình OCOP.
Chia sẻ về vấn đề thu hút khách du dịch những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Thúy Loan-chủ cơ sở Phượt Coffee (TP. Pleiku) cho biết: 4 năm trước, chị bắt đầu triển khai mô hình homestay. Khách đến với mô hình này sẽ được trải nghiệm về vùng đất, con người, mùa vụ, được hướng dẫn đến những điểm có cảnh đẹp để tham quan, cách tiếp cận với người bản địa, được tắm sông tắm suối, được leo núi, được kể cho nghe lịch sử của vùng đất này, thậm chí nếu có nhu cầu, họ có thể còn được nấu ăn chung với những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
“Tôi tin rằng, khi Gia Lai đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn thì chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều du khách, bởi văn hóa của Gia Lai vốn đã vô cùng độc đáo, thiên nhiên hấp dẫn. Khi tỉnh chú trọng đầu tư phát triển du lịch thì đương nhiên sẽ càng thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch”-chị Loan kỳ vọng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc Sở Du lịch Bình Định: “Gia Lai đã rất thức thời khi tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác, trong đó có Bình Định”. Và đây tiếp tục là một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng đúng mức trong giai đoạn tiếp theo, bằng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến sản phẩm du lịch tại các thị trường có nguồn khách ổn định, thuận lợi về vận chuyển đường hàng không như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm, mời doanh nghiệp tham gia khảo sát để xây dựng tour, liên kết xây dựng chương trình du lịch liên tỉnh với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đak Lak, khai thác sự khác biệt về điều kiện khí hậu, tài nguyên vùng miền “biển-rừng”, tạo sự hấp dẫn và thu hút khách du lịch. Cùng với đó là chú trọng phát triển loại hình tour Caravan (du lịch bằng xe tự lái) trong nội vùng ASEAN, khai thác tuyến du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Nam Lào.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm: “Để thúc đẩy du lịch phát triển, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Sở sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản lý, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ làm du lịch và người dân một số làng Bahnar, Jrai để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển”.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm