(GLO)- Vị thứ thấp của Gia Lai trên bảng xếp hạng PCI hẳn nhiên là một thực tế đáng suy nghĩ, nhưng sẽ càng đáng quan tâm hơn khi xem xét các chỉ số thành phần. Qua các chỉ số thành phần có thể nhận diện được đâu là những nút thắt của “hệ điều hành” kinh tế trên địa bàn Gia Lai.
Tiềm năng đất đai là một trong những lợi thế so sánh quan trọng nhất ở Gia Lai, là tư liệu sản xuất đặc biệt đối với doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Điểm đánh giá chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai ở Gia Lai 6 năm đạt bình quân 6,25 điểm-mức trung bình khá, nhưng lại có xu hướng giảm dần, đến năm 2011 chỉ còn 5,98 điểm và đứng thứ 48 trong 63 tỉnh, thành phố.
Trong 6 chỉ tiêu điều tra năm 2011, có 3 chỉ tiêu được coi là có những tín hiệu tích cực như tỷ lệ doanh nghiệp có đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 87,5%, so với mức trung bình của cả nước là 77,5%; tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi không xác nhận họ bị cản trở về mặt bằng sản xuất kinh doanh là 34% so với mức trung bình của cả nước là 30%, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp này hoàn toàn không gặp khó khăn, không bị cản trở trong quá trình tiếp cận và sử dụng đất đai.
Ảnh: Đức Thụy |
Thực tế và dư luận cho thấy, dù tiềm năng đất đai còn nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận đất đai, gặp nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng do tỷ lệ đất đai có đầy đủ thủ tục pháp lý còn thấp, thị trường bất động sản chưa phát triển, có dấu hiệu chi phối của “nhóm lợi ích” và nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục về đất đai, bao gồm cả các mỏ khoáng sản. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đất đai có đủ thủ tục pháp lý có tác động khá lớn tới mức đầu tư và sản lượng kinh tế trên một đơn vị diện tích, do đó có tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Do đặc điểm lịch sử và kết cấu xã hội, nguồn nhân lực trên địa bàn Gia Lai có chất lượng khá thấp, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp chuyên nghiệp trở lên theo điều tra thống kê trên địa bàn Gia Lai chỉ đạt 9,09% trong tổng số lao động, trong đó số đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ chiếm 3,31%, gần 90% lao động chưa qua đào tạo. Do đó về lâu dài, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế. Mặc dù nội dung điều tra chưa bao quát hết tình hình thực tế, nhưng cũng cho thấy các doanh nghiệp không đánh giá cao việc thực thi các chính sách giáo dục và đào tạo trên địa bàn Gia Lai.
Điểm đánh giá bình quân 6 năm của chỉ số chính sách đào tạo lao động chỉ đạt 4,35 điểm và có xu hướng giảm dần qua các năm; kết quả đánh giá năm 2011 chỉ xếp thứ 42 trong 63 tỉnh, thành. Chỉ có 43,42% số doanh nghiệp được hỏi đã xác nhận giáo dục phổ thông trên địa bàn được xem là tốt hoặc rất tốt, tương tự như vậy đối với hệ dạy nghề chỉ là 27,03%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm sử dụng và tái sử dụng các dịch vụ giới thiệu việc làm và tuyển dụng không lớn. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề chậm phát triển, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy nghề, chương trình đào tạo, chính sách khuyến khích và sử dụng lao động sau đào tạo còn nhiều bất cập.
Chính sách thu hút lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động giỏi và lao động chất lượng cao chưa hợp lý; một số lượng không nhỏ con em Gia Lai, kể cả số thuộc diện cử tuyển đào tạo ở các trường ngoài tỉnh đã không trở về phục vụ tại Gia Lai. Có thể coi đây là “nút thắt” quan trọng trong cả trước mắt và lâu dài trong điều hành kinh tế ở Gia Lai?
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng không được các doanh nghiệp đánh giá cao, khi điểm số đánh giá chỉ số này chỉ đạt bình quân 4,45 và lại có xu hướng giảm dần xuống mức thấp, 3,4 điểm cho năm 2011. Nhưng do tình trạng chung về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều tỉnh chưa phát triển, nhất là các tỉnh có kinh tế chưa phát triển lại xa các trung tâm kinh tế lớn, nên Gia Lai vẫn đứng thứ 39 trong 63 tỉnh, thành. Kết quả điều tra cho thấy khoảng một nửa số doanh nghiệp được hỏi không thường xuyên sử dụng và tái sử dụng các dịch vụ tư vấn thông tin pháp luật, tư vấn thông tin kinh doanh. Chủ yếu do các loại hình và mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa phát triển mạnh ở Gia Lai và một phần do doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn.
Chỉ có 14,13% số doanh nghiệp được hỏi đã xác nhận số phí, lệ phí, 46,74% xác nhận số giấy tờ, 26,09% xác nhận số lần đi lại xin chữ ký và dấu có giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính công; “ma trận” phức tạp về thủ tục hành chính cùng với tệ nạn gây phiền hà để nhũng nhiễu vẫn là vấn nạn nhức nhối đối với số đông doanh nghiệp và người dân. Hơn 13,9% số doanh nghiệp được hỏi đã xác nhận mất hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước, cho thấy mục tiêu giảm mạnh thủ tục giấy tờ không cần thiết, giảm phiền hà, giảm tốn kém thời gian tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân vẫn chưa đạt yêu cầu đã đặt ra. Rõ ràng đây vẫn là “nút thắt” và là thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế ở Gia Lai hiện nay.
Chi phí không chính thức là các khoản doanh nghiệp phải chi ngoài các quy định của pháp luật cho cá nhân hoặc nhóm công chức để công việc được giải quyết. Dù doanh nghiệp tự nguyện hay không tự nguyện thì đây cũng là nguồn gốc của những khoản thu nhập không chính đáng, không hợp pháp của cán bộ, công chức nhà nước. Do đó chỉ số chi phí không chính thức có thể dùng để đo lường tình trạng trong sạch và mức độ mẫn cán của đội ngũ công bộc của dân. Điểm đánh giá năm khởi đầu của Gia Lai đạt mức khá 7,32 điểm, nhưng giảm dần xuống 5,81 điểm năm 2011 và chỉ xếp gần áp chót, 54 trong 63 tỉnh, thành phố. Có tới 57,69% số doanh nghiệp được hỏi đã đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý rằng chính quyền tỉnh đã sử dụng các quy định riêng của địa phương để trục lợi (so mức trung vị của cả nước là 40,29%).
Có lẽ rất cần làm rõ các quy định riêng của địa phương là hành vi lách luật hay trái luật và để trục lợi cho ai? nhưng dù thế nào thì cũng không thể chấp nhận trong thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Có tới 53,97% doanh nghiệp xác nhận thường xuyên phải trả chi phí không chính thức để công việc được giải quyết, 50,67% doanh nghiệp xác nhận phải trả hoa hồng mới được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước và 11,69% doanh nghiệp phải dùng hơn 10% doanh thu để chi cho các loại chi phí không chính thức. Điều đáng nói là tình trạng “chung chi, nhũng nhiễu” tại Gia Lai đã không bị đẩy lùi, thậm chí nghiêm trọng hơn trong lúc Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm chống tham nhũng.
Minh bạch và trách nhiệm giải trình là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng-chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Điểm đánh giá chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin trong PCI Gia Lai chỉ ở mức trung bình và có xu hướng giảm dần từ 6,03 năm 2006 xuống 5,5 năm 2011, xếp thứ 49 trong 63 tỉnh, thành. Tính minh bạch giảm dần là môi trường thuận lợi để dung dưỡng nạn thủ tục hành chính phiền hà, nhũng nhiễu, buộc các doanh nghiệp và người dân phải trả nhiều khoản “tiêu cực phí” vô lý...
Nhìn từ PCI, những “nút thắt” quan trọng trong điều hành kinh tế Gia Lai đang nằm ở các chỉ số thành phần vừa có số điểm đánh giá thấp, vừa có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong mỗi chỉ số thành phần lại có những “nút thắt riêng” cần giải quyết. Nhưng điểm số và thứ hạng PCI không phải là tất cả, càng không phải là mục tiêu cần đạt đến bằng mọi giá. Quan trọng hơn cả là, cần có thái độ thật sự cầu thị, khoa học và nghiêm túc để sử dụng PCI như là công cụ để mổ xẻ, phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng, tìm ra nguyên nhân và giải pháp tối ưu để vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hải Sơn