Kinh tế

Ký gởi cà phê: Dữ nhiều lành ít

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cà phê là cây chủ lực của nền kinh tế Tây Nguyên với tổng diện tích trên 550.000 ha, đứng đầu là Đak Lak hơn 202.000 ha rồi đến Lâm Đồng 145.000 ha, Đak Nông 116.000 ha, Gia Lai khoảng 80.000 ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê cả nước. Niên vụ 2013-1014 mặc dù đã giảm năng suất nhưng dự kiến Tây Nguyên sẽ thu hoạch khoảng 1,2 triệu tấn cà phê nhân, chủ yếu xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để các đại lý làm dịch vụ cà phê hoạt động, vừa thu mua sản phẩm, vừa giải quyết một phần nhu cầu vốn đầu tư chăm sóc của người trồng cà phê. Thế nhưng trong thời gian qua thực tế cho thấy chính hoạt động này đã làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh trên thị trường cà phê và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội của người dân!

nông dân vay vốn để đầu tư chăm sóc và bảo hiểm rủi ro trong quá trình sản xuất
Nông dân rất cần vốn vay để đầu tư chăm sóc và bảo hiểm rủi ro trong quá trình sản xuất. Ảnh: Huy Tịnh

Phần lớn người trồng cà phê là nông dân nên ít vốn, trong khi đó vườn cà phê đòi hỏi mức đầu tư hàng năm khá lớn trong suốt quá trình trồng mới và chăm sóc, thu hoạch. Chỉ tính riêng công tưới nước, làm cỏ, bón phân và bơm thuốc bảo vệ thực vật (3-4 đợt) mỗi ha đã tốn khoảng 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Cần vốn, vay ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục do đó, các đại lý trở thành “bà đỡ” cho người trồng cà phê là điều không tránh khỏi. Có thể họ vay từ đầu vụ hoặc giữa vụ để trang trải các khoản chi phí cho vườn cây. Bên cạnh đó lại không đủ sân phơi nên phần lớn thu hoạch xong là giao cho đại lý bởi họ có đủ điều kiện vận chuyển sản phẩm, có sân bãi phơi cà phê. Đến khi thấy được giá, người gởi chỉ cần “a lô” là hai bên chốt giá. Cách làm này như sử dụng con dao hai lưỡi đối với người sản xuất. Nếu gặp được đại lý trường vốn, làm ăn chân chính thì thuận lợi còn ngược lại là vô tình giao trứng cho ác. Đã có nhiều trường hợp đại lý thu gom cà phê rồi bỏ chạy xảy ra. Xin điểm qua vài vụ xảy ra gần đây:

Tháng 4-2013, người dân ở các tổ 2, 3, 4 và 5 của thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông làm đơn tố cáo với chính quyền địa phương về việc bị 2 cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn tuyên bố vỡ nợ không trả tiền cà phê của họ đã ký gởi là Bình Hằng của ông Nguyễn Văn Cường ở nhà số 248 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông và Hùng Bằng của ông Nguyễn Văn Hùng ở nhà số 24 Phan Đình Phùng, thị trấn Chư Prông. Cơ sở Bình Hằng nợ khoảng 10 tỷ đồng và Hùng Bằng nợ khoảng 18 tỷ đồng.

Ngày 17-4-2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đak Lak chuyển hồ sơ điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đak Lak truy tố Đoàn Ngọc Yêm 51 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, trú xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2012, Yêm mở đại lý kinh doanh nông sản, phân bón tại chợ huyện Ea Hleo nhận ký gởi cà phê của nhiều người dân trong vùng, Yêm dùng nguồn vốn này mua bán nông sản, xây dựng kho chứa, lò sấy, trả nợ gốc và lãi vay đồng thời cho người khác vay lại. Đến tháng 2-1013 do không trả hết nợ, Yêm trốn khỏi địa phương nhưng sau đó bị bắt giữ. Qua xác minh Yêm nợ và chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng cùng 58 tấn cà phê của 16 người khác, giá trị tổng cộng hơn 4,2 tỷ đồng.

 

không đủ vốn
Không đủ vốn người nông dân làm cà phê buộc phải dựa vào các cơ sở đại lý thu mua cà phê để ứng vốn là tất nhiên (ảnh minh họa)

Tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, chiều 14-5-2014, gần 30 người dân kéo đến đại lý cà phê Khương Nhung ở tổ dân phố 7 đòi đập phá nhà, kho, vì họ đã bán cà phê cho đại lý này mà cả tháng qua vẫn chưa nhận được tiền. Bà chủ đại lý Trương Thị Khương thì đã cao chạy xa bay với khoản “xù nợ” của 30 hộ  dân thị trấn Ia Kha và xã Ia Pếch số tiền gần 5 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là một số vụ có tính chất điển hình cho hàng trăm vụ lừa đảo, vỡ nợ, quỵt tiền của các cơ sở thu mua, đại lý ký gởi cà phê ở Tây Nguyên trong hàng chục năm qua. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền mà người dân bị mất chắc chắc lên đến con số hàng trăm t÷ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người làm cà phê.

Như trên đã nêu, đa số người trồng cà phê luôn thiếu vốn để đầu tư, chăm sóc. Trung bình một ha cà phê sau 3 năm (một năm trồng, hai năm chăm sóc) chi phí trên dưới 200 triệu đồng. Vốn dĩ đã không đủ vốn, lại vừa dành tiền mua đất lập vườn, chi phí sinh hoạt, lấy đâu ra tiền đầu tư, lấy đâu ra mặt bằng làm sân phơi… do đó người nông dân làm cà phê buộc phải dựa vào các cơ sở đại lý thu mua cà phê để ứng vốn là tất nhiên. Ngay cả các cơ sở này cũng có thể là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo khác theo kiểu liên đới.

Trong khi các doanh nghiệp của Nhà nước chuyên kinh doanh, chế biến và xuất khẩu cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa đáp ứng được tất cả yêu cầu về đầu ra cho người trồng cà phê trong khu vực thì hoạt động của các đại lý, ký gởi cà phê cũng có mặt tích cực trong việc thu mua sản phẩm kịp thời cho nông dân. Để quản lý tốt hoạt động này, tránh những rủi ro cho người trồng cà phê gặp phải như đã nêu, ngành chức năng cần triển khai chính sách đồng bộ về thu mua tạm trữ cà phê có điều kiện tài chính, kho hàng, kinh nghiệm. Phải tổ chức kiểm tra thường xuyên và định kỳ, không để cho các cơ sở thấy có lời khi tạm trữ, nhận ký gởi cà phê mà bất chấp điều kiện về con người, tài chính, vật chất đua nhau làm đại lý thu mua, tạm trữ, ký gởi cà phê như lâu nay. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách thoáng cho nông dân vay vốn để đầu tư chăm sóc và bảo hiểm rủi ro trong quá trình sản xuất, tránh tình trạng “giao hết sinh mạng” cho những cơ sở ký gởi cà phê “treo đầu dê, bán thịt chó” làm ăn lừa đảo, gian dối, làm những gia đình nông dân phải trắng tay…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm